(HNM) - Kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 thì lại tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Giá nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua, gây ra áp lực lạm phát rất lớn. Hiện các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022...
Áp lực lớn từ "cú đánh bồi"
Hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu ở nước ta đã tăng tới 6 lần, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát. Hiện giá xăng đã lên mức gần 30.000 đồng/lít và chưa biết đến bao giờ giá nhiên liệu này mới "giảm nhiệt".
Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu nên khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực. Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng 10%, tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm khoảng 0,5%. Mức giảm này là khá lớn. Mặt khác, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36%. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu và điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, có thể nói giá xăng dầu tăng là "cú đánh bồi", khiến nhiều đơn vị chưa kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản Phan Văn Dũng cho biết, doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, cố gắng không tăng giá sản phẩm để hỗ trợ người tiêu dùng, níu giữ sức mua trên thị trường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã chịu tác động của dịch Covid-19, vừa bước vào giai đoạn phục hồi lại chịu ảnh hưởng từ những bất ổn trên thế giới. Xung đột chính trị, quân sự đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá nguyên, vật liệu cơ bản tăng cao. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó nếu chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn, lạm phát toàn cầu tăng sẽ gây ra tác động đáng kể. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tăng 10-20% thời gian gần đây.
Tập trung xử lý tình huống
Hiện sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã giảm sút sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, trong khi sức ép lạm phát ngày càng rõ hơn. Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) và kiểm soát lạm phát năm 2022, cơ quan chức năng đã đưa ra các giải pháp điều hành gồm một số định hướng chủ đạo, trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Riêng xăng dầu, Chính phủ giao Bộ Công Thương theo sát diễn biến thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích tác động để điều chỉnh các loại thuế có liên quan. Song, diễn biến phức tạp trên thế giới đang đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cảnh báo, nếu giá dầu thô quốc tế lên đến 150 USD/thùng mà nước ta không có biện pháp điều chỉnh hiệu quả thì lạm phát năm 2022 sẽ lên tới 4,5-5%.
Trước yêu cầu kiểm soát lạm phát, các chuyên gia khuyến nghị kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, từ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý đến việc chủ động giảm thuế giá trị gia tăng trên diện rộng và khẩn trương. Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng mang lại tác dụng trên diện rộng, giúp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và góp phần kìm hãm đà tăng giá tiêu dùng. Cùng với đó, nên khuyến khích doanh nghiệp giám sát, phản biện chính sách để phát huy tác dụng của các giải pháp hỗ trợ.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cùng các địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng quan trọng. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tăng cường sử dụng hàng nội địa, kết nối sản xuất để hạn chế nhập khẩu, tránh phụ thuộc bên ngoài và kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu trong nước tận dụng tối đa năng lực vận hành, sản xuất để tham gia bình ổn giá xăng dầu; tập trung phát triển các nguồn năng lượng sạch để thay thế một phần và từ đó kìm giữ đà tăng giá tiêu dùng. Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ đã thông qua dự thảo nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, với mức giảm 2.000 đồng/ lít xăng; 1.000 đồng/lít/kg dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 700 đồng/lít dầu hỏa... Nếu việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu áp dụng từ ngày 1-4-2022, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 23.954 tỷ đồng, nhưng đây là giải pháp cần thiết để giảm áp lực giá xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, cần theo sát diễn biến thị trường, tạo điều kiện giao thương thông suốt và ngăn chặn hiện tượng “té nước theo mưa”, cố ý tăng giá bất hợp lý. Cũng cần nâng cao hiệu quả của hệ thống phân phối, tránh khan hàng giả tạo, kết hợp tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, hình thành tâm lý tiêu dùng lành mạnh trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.