Kinh tế

Giai đoạn “nhạy cảm” của nền kinh tế: Tập trung kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn 01/10/2023 - 07:05

Quý IV-2023 là quãng thời gian “nhạy cảm” của nền kinh tế, với việc tập trung hoàn thành hoặc đạt kết quả tối đa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiềm chế lạm phát.

Kết thúc 9 tháng qua, tình hình giá cả trên thị trường nhìn chung được kiểm soát khá tốt, nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn một số yếu tố khó lường nên không thể chủ quan và cần tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế làm phát đã đề ra.

bao-dam-nguon-cung-xang-dau.jpg
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Ảnh: Nhật Nam

Điều hành thận trọng

Theo thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước và trung bình 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng vừa phải, là điều kiện tương đối thuận lợi cho công tác điều hành, hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan chức năng theo dõi sát sao diễn biến cung - cầu trên thị trường, nhất là tìm cách bảo đảm nguồn cung năng lượng, xăng dầu nhằm hạn chế đến thấp nhất sự bị động, tăng giá ngoài mong muốn. Trong đó, những dịch vụ do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế... đã được Chính phủ điều hành thận trọng, hiệu quả.

Tổng cục Thống kê nhận định, giá điện sinh hoạt đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN điều chỉnh từ ngày 4-5-2023 sau nhiều năm không tăng giá, nhưng chỉ điều chỉnh tăng 3% nên tác động không nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng.

Song, hiện còn một vấn đề đáng lo ngại là giá nhiên liệu tăng ở mức cao trong lần điều chỉnh giá gần đây nhất. Từ đầu tháng 9-2023, giá dầu thô thế giới vượt ngưỡng 90 USD/thùng, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng 7 lần liên tiếp, đẩy giá xăng bán lẻ trong nước lên gần 26.000 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng dầu tháng 9-2023 tăng 3,54% so với tháng trước, tăng 5,64% so với tháng 9-2022; tuy vậy, bình quân 9 tháng năm 2023 vẫn giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, giá xăng dầu luôn phụ thuộc đà tăng - giảm của giá bán trên thị trường quốc tế và gây ra sự bị động trong tiêu dùng, hoạt động điều hành cũng như tìm giải pháp khắc phục.

Nhận định tình hình, chủ động ứng phó

Tổng cục Thống kê đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát trong quý cuối năm nay. Đó là, lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1-7-2023 tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Đáng lưu ý là giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu...

Ở chiều ngược lại, lạm phát toàn cầu dần hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát từ kênh nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để kiểm soát lạm phát như chỉ tiêu đặt ra cần tăng cường kết nối cung - cầu, gắn liền sản xuất với tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát diễn biến giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm ổn định mặt bằng giá cả.

Một số chuyên gia cũng chia sẻ, cần tăng cường bảo vệ người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất chân chính. Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, ưu tiên sử dụng nguyên liệu đầu vào của nhau để tối ưu chi phí, tránh thêm mối trung gian nhằm giảm thiểu nguy cơ CPI tăng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng, được dùng trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt trong ngành vận tải, đánh bắt thủy hải sản. Xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí nguyên nhiên vật liệu của nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm, tạo áp lực lớn lên lạm phát của nền kinh tế. Từ đó, cơ quan chức năng cần bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu để bảo đảm nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu trong việc giữ ổn định giá, phòng tránh giá xăng dầu tăng quá cao. Đồng thời, xem xét hỗ trợ giá cho một số ngành có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất. Ngoài ra, công tác truyền thông cần đi trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để tránh thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh, các bộ, ngành, địa phương nên chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa bên cạnh các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn “nhạy cảm” của nền kinh tế: Tập trung kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.