Kinh tế

Nhận diện dư địa, chung tay kiềm chế lạm phát

Vĩnh Hà-Hồng Sơn 13/07/2023 - 10:52

Về lý thuyết, nền kinh tế phải có mức tăng trưởng, nhưng nếu không kiểm soát tốt lạm phát, kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng (CPI) thì tăng trưởng thuần túy cũng khó bù đắp được thiệt hại do lạm phát cao gây ra. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã kiểm soát hiệu quả lạm phát, bảo đảm đời sống dân sinh cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Cung - cầu hài hòa

14.7-mua-sam-cho.jpg
Thời điểm này rau quả tại chợ dân sinh rất dồi dào, giá ổn định. Ảnh: Lam Giang

Theo Cục Thống kê Hà Nội, Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tháng 6-2023 tăng 0,11% so với tháng 5-2023 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm 2022. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Như vậy, về mặt số liệu có thể thấy mức tăng giá tiêu dùng khá thấp và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành, kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Trên thực tế, diễn biến thị trường trong tháng 6 nói riêng và từ đầu năm đến nay không có nhiều biến động, đặc biệt không có đột biến nào có thể đẩy CPI tăng cao. Hiện tại, quan hệ cung - cầu hàng hóa trên địa bàn nhìn chung ổn định. Nguồn cung ứng đầu vào dồi dào là yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát CPI. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần bình ổn giá là sức mua của xã hội không tăng, chủ yếu do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập trong một bộ phận dân cư. Từ đó, nhiều siêu thị, cơ sở phân phối đã chủ động giảm giá để kích cầu, kết hợp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa.

Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart Nguyễn Thùy Dương cho biết, mỗi tháng siêu thị BRG thực hiện 2 lần khuyến mại tập trung, giảm giá tới 50%, áp dụng hình thức “mua 1 tặng 1”. Nhiều loại hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm còn giảm giá sâu… Đồng hành cùng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhà nước, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu được siêu thị BRGMart triển khai đến hết năm 2023.

Siêu thị AEON cũng đang nỗ lực giữ ổn định giá đối với nhiều mặt hàng. Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết: “Chúng tôi tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình “Giá tốt, giá thấp mỗi ngày” để mang các sản phẩm thiết yếu đến với người tiêu dùng với mức giá phù hợp. Theo đó, AEON thường xuyên rà soát và thay đổi danh mục sản phẩm ưu đãi cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đây cũng là một trong những chương trình có hiệu quả thiết thực, được khách hàng đánh giá cao”.

Nhận xét chung của người tiêu dùng là giá rau xanh, tôm, gà, trứng… hiện khá ổn định, thậm chí còn giảm. Ông Tô Tiến Hợp, kinh doanh rau xanh tại chợ Phú Thượng, quận Tây Hồ thông tin, thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng nên giá rau xanh không đổi; một số loại rau như cải ngồng, cải xanh… còn giảm vài nghìn đồng/kg. Còn theo bà Nguyễn Thị Nhẫn, kinh doanh gia cầm tại chợ Gia Thụy, quận Long Biên, giá gà ta hiện ở mức 115.000 đến 120.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp ở mức từ 70.000 đến 85.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg.

Tuy vậy, mấy tuần qua giá lợn hơi tăng lên mức 66.000 đến 68.000 đồng/kg khiến giá thịt lợn bán lẻ tại chợ tăng theo. Nguyên nhân là bởi thời điểm này nguồn cung lợn thịt ít hơn so với trước. Nhưng thực tế này cũng không đủ tác động mạnh tới thời giá trên thị trường.

Kiềm chế lạm phát để giữ chất lượng tăng trưởng

14.7-st-brg.jpg
Các siêu thị liên tục tổ chức các hoạt động khuyến mại, giảm giá chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.  Ảnh: Lam Giang

Nếu không kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng thì tăng trưởng thuần túy cũng khó bù đắp được thiệt hại do lạm phát cao gây ra. Vì thế nhiệm vụ đặt ra trong những tháng còn lại của năm 2023 là nhận diện dư địa, chung tay kiềm chế lạm phát. Theo các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm khó có đột biến, song cũng không thể chủ quan bởi những yếu tố bất ổn của giá nguyên, nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng... Đặc biệt, từ ngày 1-7, lương tối thiểu tăng theo lộ trình dẫn đến nguy cơ giá cả hàng hóa "té nước theo mưa".

Theo Sở Công Thương Hà Nội, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kết nối đưa hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội; đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường Hà Nội. Thành phố cũng triển khai các chương trình khuyến mại tập trung, vừa kích cầu tiêu dùng, vừa cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp đến người tiêu dùng.

Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Chính sách thuế VAT giảm 2% từ ngày 1-7 giúp giảm giá hàng hóa, từ đó góp phần kích thích sức mua. Các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa bảo đảm giữ giá, không thay đổi giá cung cấp. Trong quý III và IV hệ thống siêu thị BRGMart sẽ triển khai loạt chương trình khuyến mại lớn phục vụ người dân". Hệ thống siêu thị WinMart hay AEON cũng triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá, khuyến mại, trong đó tập trung vào những mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, Hà Nội chủ động kiểm soát thị trường, ngăn chặn tăng giá hàng hóa bất hợp lý. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay: "Chúng tôi đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để xử lý nghiêm".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện dư địa, chung tay kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.