Kinh tế

Không chủ quan trong kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn 02/07/2023 - 12:55

Kết quả kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng, lạm phát (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2023 được đánh giá là đáng ghi nhận trong công tác điều hành vĩ mô. Tuy vậy, vẫn còn không ít yếu tố bất lợi có thể xảy ra, gây áp lực gia tăng CPI, thách thức đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Do đó, yêu cầu đặt ra là nhận diện tình hình, có giải pháp phù hợp nhằm hóa giải những bất lợi, kiềm chế lạm phát; từ đó góp phần bình ổn đời sống kinh tế - xã hội.

b647f6b162b6b2e8eba7.jpg
Mua bán tại chợ dân sinh.

Nhận diện thực tế, nguy cơ

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2023 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao.

Song, thực tế cũng không đơn giản vì xuất hiện hoặc tiềm ẩn những yếu tố bất lợi. Đáng lưu ý là, tính chung giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,06%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,42%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 11,24%.

Các điều kiện bất lợi sẽ là thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng. Trong đó, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-7-2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác liên quan đến đời sống các hộ gia đình tăng theo. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố tác động đến việc kìm giữ lạm phát, như giá điện có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức khá cao.

Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, chủ trương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ, mở cửa mạnh mẽ các dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm nay.

Chia sẻ vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định, bức tranh lạm phát năm 2023 có nhiều nét đáng quan tâm vì giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Đó là áp lực lạm phát cầu kéo do Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế cho năm 2022 và 2023 nhưng chưa thực hiện được nhiều trong năm 2022, nguồn lực lớn của chương trình này sẽ dồn vào thực hiện trong năm 2023, từ đó tổng cầu tăng đột biến. Khi đó nhu cầu về nguyên, vật liệu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng có thể tăng cao khiến cho giá các loại nguyên, vật liệu tăng theo, trong khi sự đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn và kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI.

Ngoài ra, xăng dầu vẫn là ẩn số khó đoán về diễn biến giá trên thị trường thế giới, có thể gây bất ngờ cho công tác điều hành khi xảy ra sự tăng giá bất thường. Cùng với đó, điện là mặt hàng năng lượng chiến lược, đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng và sản xuất. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng hai mặt hàng này sẽ tăng khi kinh tế phục hồi kết hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội tăng, khiến tổng cầu tăng.

Tập trung, linh hoạt trong điều hành

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, tình hình lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Tập trung theo dõi tình hình thực tế cũng như linh hoạt trong việc áp dụng tăng giá những mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý; nhất là tránh điều hành giật cục hoặc thời điểm tăng giá không phù hợp, có thể “cộng hưởng” những bất lợi mà từ đó đẩy CPI tăng cao.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung; đồng thời, cần kiểm soát giá nguyên, vật liệu đầu vào, chủ động trong dự trữ kết hợp với tăng cường sản xuất và sử dụng nguồn trong nước theo hướng dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Bộ Công Thương, các cơ quan hữu quan sẽ tập trung theo dõi diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về quy định quản lý thị trường trên diện rộng. Chủ động phòng, chống nạn hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, nạn đầu cơ và khan hiếm hàng ảo, gây “sốt giá” bất hợp lý, nhằm bảo vệ các đơn vị kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Thực hiện đồng bộ các yếu tố trên nhằm tạo điều kiện ổn định giá cả, duy trì quan hệ cung-cầu để kiềm chế lạm phát, từ đó bình ổn đời sống dân sinh. Ngoài ra, duy trì yêu cầu công khai niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở thương mại, chợ, siêu thị; tránh cách ứng xử “té nước theo mưa” với lý do “tăng lương thì tăng giá” trên thị trường…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan trong kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.