Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gian văn hóa mang “thương hiệu” Hà thành

Minh Ngọc| 13/12/2016 07:03

(HNM) - Âm nhạc truyền thống - ở một góc độ nào đó là những âm thanh diễn tả tâm hồn, văn hóa, trí tuệ Việt Nam.


Bản hòa âm đa sắc


Thay vì dòng xe cộ tấp nập, ồn ã, không khí làm việc hối hả, khu phố cổ Hà Nội những ngày cuối tuần là bản hòa âm đa sắc. Ở đó, dù trời mưa hay nắng, dù ngày hay đêm, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn say sưa thể hiện tình yêu Hà Nội bằng ngôn ngữ âm nhạc.

Biểu diễn nhạc truyền thống tại không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Ảnh: Thái Hiền


Sáng thứ bảy ngày 10-12, những ca khúc trữ tình về mùa thu Hà Nội được chuyển tải bởi tiếng đàn violon réo rắt do nhóm nhạc trẻ biểu diễn tại khu vực giao cắt đường Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, níu chân hàng trăm du khách. Người thả hồn theo giai điệu, người nhún nhảy theo tiếng nhạc, người phấn khích xin hát giao lưu. Anh Nguyễn Tiến Thành, du khách đến từ phường 15, quận 11 (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Thật tuyệt vời khi chúng tôi được nghe những giai điệu về Hà Nội trong không gian đặc trưng nhất của Hà Nội. Âm nhạc giúp chúng tôi cảm nhận về Hà Nội một cách sâu lắng hơn”. Cách khu vực biểu diễn đàn violon không xa, người nghệ sĩ không chuyên có biệt tài thổi sáo bằng mũi cũng hấp dẫn du khách. Trước khu vực nhà Bát Giác, phía sau Vườn hoa Lý Thái Tổ, nhiều du khách chờ đến giờ các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dân gian.

Hiện xung quanh hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách vào những ngày cuối tuần khi tuyến phố đi bộ hoạt động. Tượng đài vua Lê là “sân khấu” của xẩm; nhà Bát Giác là điểm hẹn của các loại hình nghệ thuật dân gian. Nhà hát Múa rối Thăng Long; Nhà hát Kịch trên phố Tràng Tiền… liên tục sáng đèn. Trong khu vực “ba mươi sáu phố phường”, quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thường xuyên mời và tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đình Quan Đế (28 Hàng Buồm) trở thành địa chỉ thưởng thức ca trù quen thuộc của du khách. Các tuyến phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… sôi động hơn, hấp dẫn hơn với hình ảnh các nhóm hát xẩm, nhóm nhạc đường phố biểu diễn hết mình. Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nghệ sĩ, nghệ nhân và khách tham quan, tạo thành “đặc sản” của khu phố cổ.

Để “thương hiệu” được khẳng định

Tham gia biểu diễn ở khu phố cổ đa số là các nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống như NSND Xuân Hoạch (đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tam), NSND Thanh Hoài (hát chèo, ngâm thơ); NSƯT Thúy Ngần (hát chèo); nghệ nhân ca trù Đặng Thị Huệ, Bạch Vân… “Chúng tôi tham gia biểu diễn vì yêu nghề, yêu âm nhạc dân tộc. Chúng tôi mong muốn truyền tình yêu âm nhạc đến thế hệ trẻ; đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá vốn di sản âm nhạc Việt Nam” - NSƯT Thúy Ngần chia sẻ. Sự cống hiến, đóng góp của các nghệ sĩ, nghệ nhân đã được “đền đáp” bằng số lượng khán giả ngày càng đông, “thương hiệu” khu phố cổ ngày càng được nhiều người biết đến.

Tiếc rằng, ngoài các nhóm nhạc, câu lạc bộ truyền thống được các cơ quan chức năng cấp phép hoặc mời biểu diễn, trên các tuyến phố đi bộ xuất hiện thêm một số nhóm nhạc hoạt động tự phát, biểu diễn với mục đích… kiếm tiền. “Đành rằng nghệ sĩ không thể biểu diễn không công mãi được. Người nghe cũng thấy áy náy khi thưởng thức các chương trình nghệ thuật hay miễn phí, song, giữa không gian văn hóa Hà thành, việc tồn tại những “mâm tiền” như thế rõ ràng là không nên. Hơn nữa, việc có nhiều điểm biểu diễn âm nhạc khác nhau trong không gian gần nhau đã và đang dẫn đến sự hỗn loạn âm thanh vào một số thời điểm” - chị Lê Thị Hà Ngọc, trú tại phố Hàng Khay phản ánh.

Chấn chỉnh hoạt động này, Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, nhóm nhạc nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết thêm, Sở đã gửi thông báo đến các nhóm nhạc, các đơn vị biểu diễn yêu cầu phải thông báo nội dung biểu diễn trước 5 ngày. Nếu các cá nhân, tổ chức biểu diễn trên phố đi bộ cố tình không chấp hành đúng quy định, có thể sẽ bị cấm biểu diễn.

Chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống là một trong những hoạt động tạo nên sức hấp dẫn của khu phố cổ Hà Nội, nhất là trong những ngày các tuyến phố đi bộ hoạt động. Nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đang thiếu “đất diễn”, thiếu lớp kế cận, chưa được nhiều người biết đến, nên việc biểu diễn âm nhạc truyền thống trong khu vực phố cổ Hà Nội là việc làm cần được khuyến khích. Vấn đề là phải tổ chức, quản lý làm sao để “cung - cầu” gặp nhau, cùng nhau hoạt động vì mục tiêu quảng bá di sản, văn hóa Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không gian văn hóa mang “thương hiệu” Hà thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.