(HNM) - Hà Nội là
Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực Cửa Tây của thành Hà Nội xưa. Đầu thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp phá thành, làm một vườn hoa nhỏ gọi là điểm tròn Puginier. Năm 1945 mới có tên là vườn hoa Ba Đình. Địa danh Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9-1886 đến tháng 1-1887. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ sự kiện đó, tên Quảng trường Ba Đình đã được cả thế giới biết đến.
Quảng trường Ba Đình trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945. Ảnh tư liệu |
Ông Lê Hùng Quân, 84 tuổi - một trong những đoàn viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày 17-8-1945, khi được phân công cầm cờ đỏ sao vàng lên cướp diễn đàn mít tinh của chính quyền Trần Trọng Kim tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hô ủng hộ Việt Minh dù khi đó mới 15 tuổi. "Đến ngày 2-9, tôi lại được phân công trong đội an ninh bảo vệ trật tự cho lễ mít tinh và nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Khi Bác đọc, cả quảng trường im phăng phắc. Niềm vui, niềm tự hào ánh lên trong từng khóe mắt. Vậy là dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, một cảm giác trào dâng và đó cũng là động lực để tôi tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội" - ông Lê Hùng Quân khẳng định.
Ngày Độc lập 2-9-1945 - ngày hội lớn của dân tộc từ đó chính thức trở thành ngày Quốc khánh của đất nước, tết Độc lập của dân tộc Việt Nam. Mốc son ấy đã mở đầu cho bao sự kiện quan trọng nối tiếp. Đó là, Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 và ngày 10-10-1954, đoàn quân Vệ quốc ra đi đêm đất trời rực lửa đã 9 năm trước trở về tiếp quản Thủ đô. Đó là 18 năm sau, quân và dân Thủ đô cùng các lực lượng lập nên trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng 12-1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân về nước, để rồi 3 năm sau, ta đánh tiếp cho "ngụy nhào", thực hiện thống nhất đất nước.
Cũng tại Quảng trường Ba Đình, ngày 9-9-1969, bảy ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lễ truy điệu Người đã được cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ. Sau đó, một số công trình được xây dựng thêm xung quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, đó là Hội trường Ba Đình (hoàn thành năm 1963), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1975), Bảo tàng Hồ Chí Minh (hoàn thành năm 1990), Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc (hoàn thành năm 1994). Quảng trường Ba Đình còn là nơi chứng kiến cuộc mít tinh của 400.000 người vào ngày 2-9-1975 mừng đất nước thống nhất. Ngoài các công trình lớn như trên, trong quần thể kiến trúc ở Quảng trường Ba Đình có một số công trình nhỏ nhưng cũng rất quan trọng và ý nghĩa như chùa Một Cột, khu vực nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Ba Đình trở thành mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ, đặc biệt với việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long ngay kế bên, khiến Quảng trường Ba Đình càng trở nên ý nghĩa và thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Trong suốt những năm qua, Quảng trường Ba Đình cũng là nơi thường xuyên được chọn để tổ chức các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm lớn mang tính lịch sử của đất nước. Kể từ ngày khánh thành Lăng Bác đến nay, đã có gần 50 triệu lượt người vào viếng Bác, trong đó có gần 8 triệu lượt khách nước ngoài của gần 200 nước và tổ chức quốc tế; phục vụ hơn 2.000 buổi sinh hoạt chính trị, tặng Huy hiệu Bác Hồ cho hơn 75.000 đại biểu.
Cho tới bây giờ, Quảng trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi đã diễn ra những sự kiện trọng đại, trở thành địa chỉ đỏ, niềm tự hào không chỉ của nhân dân Thủ đô mà của cả nước. Đây là nơi tôn nghiêm nhất, là không gian thiêng liêng của toàn dân tộc, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, ý chí anh hùng và phẩm chất tốt đẹp nhất của các thế hệ người Việt Nam. Đó cũng là nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.