Trong thời gian gần đây, chúng ta nói nhiều về phát triển du lịch dựa trên nguồn vốn di sản văn hóa dồi dào, khác biệt, và gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên vô giá đó. Nói một cách đơn giản, từ góc nhìn của ngành Văn hóa thì đó là hai phần việc tối quan trọng cần được tiến hành đồng thời: Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nói chung.
Trong thực tế, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam đã trải qua một quá trình dài, từ cách làm đơn giản, mang tính sơ khai, “mạnh khai thác - nhẹ bảo tồn” đến thực hiện theo hướng bài bản, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào công tác này. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, quan trọng là sự hạn chế về nguồn vốn đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực nên công tác bảo tồn còn bộc lộ hạn chế rõ ràng. Như vào cuối tháng 7 vừa qua, trong một buổi tọa đàm về công tác bảo quản tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội, một đại biểu đã nêu ví dụ không thể sát thực hơn về sự hạn chế trong công tác bảo tồn di sản. Khi cơ quan chức năng tiến hành thẩm định hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho một quả chuông, được cho là có giá trị lịch sử quan trọng, đã phát hiện hiện vật này bị can thiệp không đúng cách. Khi được trục vớt từ dưới biển lên, người ta đã “vệ sinh sạch sẽ” cho quả chuông này, vô tình gây ảnh hưởng tồi tệ đến thông tin trên hiện vật... Tất nhiên là hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đã bị bác.
Đó không phải là ví dụ duy nhất cho thấy sự hạn chế trong công tác bảo tồn di sản trong thời gian gần đây, khi thế giới đã bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Như truyền thông đã đưa tin, việc hàng chục cuốn sách cổ ở một viện nghiên cứu bị “mất tích” cho thấy công tác bảo tồn di sản văn hóa ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, vẫn ở trạng thái “cất kho”, chưa đủ mức bảo quản cần thiết chứ đừng nói bảo tồn. Di sản được “cất kho”, “khóa lại”, việc kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ khoa học, phương án chỉnh lý hồ sơ... được thực hiện một cách chậm chạp, thậm chí không đúng cách do thiếu kinh phí và cũng có thể là do sự hạn chế về kỹ năng, trình độ, trách nhiệm.
Công tác bảo tồn di sản có thu được kết quả cần có hay không phụ thuộc phần lớn vào thái độ ứng xử của người được giao phần việc này. Bảo tồn khác hẳn bảo vệ, không phải cất hiện vật kỹ lưỡng là xong mà cần nghiên cứu, đánh giá, phân loại, thiết lập hồ sơ khoa học dựa trên hệ tiêu chí cụ thể và lập kế hoạch trưng bày, quảng bá, khai thác giá trị. Nếu phần việc này được làm tốt, cơ quan quản lý sẽ có được cái nhìn tổng thể về tài nguyên di sản, trên cơ sở đó lập kế hoạch bảo tồn, khai thác giá trị, phân loại ưu tiên đầu tư... Đó là lý do vì sao ngành Văn hóa Hà Nội được đánh giá cao khi tiên phong thực hiện bài bản công tác kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể từ nhiều năm nay, vì sao ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế được báo chí nhắc tới nhiều khi đề cập tới phần việc cần được triển khai gấp rút là số hóa di sản - yếu tố cần thiết cho việc bảo quản cũng như quảng bá, khai thác giá trị di sản một cách hiệu quả trong thời đại công nghệ có sự phát triển như vũ bão.
Thế giới xoay vần trong cơn lốc công nghệ, đề cao chuyển đổi số ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia. Hiệu quả của công tác bảo quản, bảo tồn di sản nói chung phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ bảo quản, trưng bày vốn có yêu cầu riêng với mỗi loại hình di sản, hiện vật, bảo vật... Nhưng có một sự thực không thay đổi đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đó là sự cần thiết phải có một đội ngũ chuyên nghiệp đủ trình độ và trách nhiệm để lĩnh vực này không còn xảy ra tình trạng hiện vật “mất tích”, “làm mới di tích”, di sản bị tu bổ, bảo quản sai cách, thậm chí dùng nước rửa chén để vệ sinh tác phẩm nổi tiếng của danh họa... Những bài học đau xót cho thấy cần có đội ngũ chuyên về sưu tầm, bảo quản, kiểm kê, tu bổ, phục chế... chứ không thể tùy tiện “lắp lẫn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.