Văn hóa

Bảo tồn văn hóa vì mục tiêu phát triển

Bảo Khánh (ghi) 23/07/2023 - 07:01

Không chỉ với những di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung tại Việt Nam luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, trong đó bảo tồn để phát huy bền vững giá trị di sản là yếu tố được đặt lên đầu. Dưới đây là một số ý kiến của nhà nghiên cứu, nhà quản lý về vấn đề này.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:

Di sản văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

van-bai.jpg

Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng được khẳng định là bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế và văn hóa là những yếu tố có quan hệ gắn bó mật thiết, phụ thuộc và có tác động tương hỗ, bổ sung nguồn lực cho nhau. Hơn nữa, trong cấu trúc nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc bảo tồn di sản văn hóa phải đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ thiết thực cho các nhu cầu phát triển. Hoạt động giáo dục di sản văn hóa trong cộng đồng có khả năng góp sức vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trí tuệ và văn hóa - yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của các quốc gia. Có thể nói, bảo tồn di sản văn hóa phải vì mục tiêu phát triển và đóng vai trò là nguồn nội lực văn hóa cho phát triển.

Nhiều người vẫn lầm tưởng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế là hai mặt đối lập, nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành Văn hóa. Ngược lại, đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa là để duy trì, nuôi dưỡng nguồn thu từ “vốn văn hóa”, đồng thời cũng là tạo ra nguồn thu mới từ giá trị gia tăng của di sản văn hóa.

Di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần đúng đắn, đó là phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn để giá trị nhân văn cao quý tích hợp trong di sản trở thành một “bộ phận hiện đại” của xã hội mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Di sản văn hóa muốn tồn tại lâu dài trước hết phải trở nên có ích cho con người trong cả hiện tại lẫn tương lai với tư cách là một bộ phận của môi trường sống và cũng là ký ức chung của cả dân tộc. Đó là lý do để khẳng định, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng chính là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Phát triển dựa vào cộng đồng là xu thế của thế giới

thi-loan.jpg

Để bảo tồn di sản văn hóa thì cần phát huy tinh thần tự giác, tự quản và chủ động của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy giá trị di sản và trao quyền cho cộng đồng trong việc thực hành di sản. Muốn vậy thì phải xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản; phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía. Cần bảo đảm các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp lợi ích kinh tế - xã hội cho những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng di sản. Cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” di sản, chính quyền lấn sân, làm thay người dân trong thực hành di sản. Việc làm này vô hình trung sẽ đẩy người dân xa rời di sản và tách di sản ra khỏi môi trường sống đích thực của nó. Chỉ khi người dân hiểu biết sâu sắc, chủ động tham gia vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, khi đó hiệu quả mới bền vững, lâu dài. Hiện nay, phát triển dựa vào cộng đồng đang là xu thế của thế giới và là một trong những giải pháp hữu hiệu để khai thác bền vững di sản. Công ước của UNESCO cũng luôn đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền văn hóa.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:

Đưa các nội dung giáo dục di sản vào nhà trường

anh-vinh.jpg

Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, xác định việc đưa các nội dung giáo dục di sản vào nhà trường như là cách để thế hệ trẻ xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử một cách bền vững, từ đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào đối với di sản của dân tộc.

Để góp phần triển khai hiệu quả công tác giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, ngành Giáo dục cần tăng cường khai thác nội dung, đa dạng hóa hình thức tổ chức trong việc dạy các môn học và hoạt động giáo dục. Tùy điều kiện của từng địa phương và đặc thù các cấp học mà mỗi trường có cách tổ chức giáo dục di sản cho phù hợp. Có thể lồng ghép nội dung giảng dạy về di sản văn hóa và các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản; hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu về các di sản văn hóa thông qua mạng internet, tư liệu, hiện vật... Đối với giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, có nhiều hình thức đem lại hiệu quả cao như thông qua các phương tiện truyền thông đa phương tiện, đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường; giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự tổ chức và thực hành các hoạt động liên quan như trò chơi dân gian, lễ hội, các loại hình dân ca của các dân tộc...

Cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành Giáo dục, Văn hóa, Du lịch từ Trung ương đến địa phương. Hơn nữa, cần có sự phối hợp của nhà trường với phụ huynh học sinh và cộng đồng trong việc lồng ghép nội dung giáo dục di sản vào mỗi bài học cũng như tổ chức các hoạt động trải nghiệm, từ đó giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với di sản, qua đó nuôi dưỡng tình yêu và ý thức bảo tồn di sản một cách bền vững.

Hiện nay, với sách giáo khoa, các bên liên quan đã quan tâm đến việc đưa di sản văn hóa vào các chuyên đề giáo dục phù hợp. Các địa phương có di sản được UNESCO công nhận đã đưa nội dung giáo dục di sản của địa phương mình vào các trường học. Đây được xem là giải pháp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương tại các nhà trường. Để phát huy hơn nữa các giá trị và kết quả đã đạt được trong công tác triển khai giáo dục di sản hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững, cần có sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương, sự nỗ lực của nhà trường, các bên liên quan ở trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn văn hóa vì mục tiêu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.