Văn hóa

Khơi thông mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Bài và ảnh: Linh Tâm 21/07/2023 09:32

Đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại. Trong đó, riêng Hà Nội có tới 4 di sản, gồm Ca trù, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc cùng hồ sơ đa quốc gia Tín ngưỡng và trò chơi kéo co.

Các DSVHPVT này đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô, là nguồn lực nội sinh tạo nên những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Những thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT được UNESCO ghi danh tại Hà Nội thời gian qua đã góp phần khơi thông mạch nguồn di sản...

di-san-1.jpg
Các bạn trẻ CLB Nhạc cụ truyền thống FTIC (Trường Đại học FPT) trình diễn nghệ thuật ca trù. Ảnh: Giang Nam

Hiện trạng di sản

Hà Nội là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Kể từ khi được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại (năm 2016), đến nay, theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã có mặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã với hơn 1.900 di tích liên quan là các phủ, đền, điện thờ. Nếu trước kia, những thanh đồng, con nhang chủ yếu thuộc tầng lớp nông dân, tiểu thương, thị dân, thì nay đã mở rộng ra các thành phần cư dân khác như nghệ sĩ, trí thức, công chức nhà nước. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 886 điện tư nhân; 2 câu lạc bộ (CLB) hoạt động thường xuyên là CLB Hát văn xứ Đoài (thị trấn Ứng Hòa) với gần 40 hội viên, CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội với 386 hội viên.

Ca trù (hát ả đào) là một loại hình nghệ thuật đặc biệt của kho tàng âm nhạc truyền thống, phổ biến trong đời sống văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XX trở về trước. Với nhiều hình thức thể hiện như hát thờ, hát thi, hát nói, hát huê tình... ca trù thường được trình diễn ở các đình, đền, nhà thờ tổ nghề, ca quán. Năm 2009, nghệ thuật ca trù được UNESCO ghi danh vào danh sách DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đến nay, Hà Nội đã trở thành một trong những cái nôi lớn của loại hình di sản này nhờ các hoạt động bảo vệ tích cực. Thành phố hiện có 16 nhóm, CLB ca trù với khoảng 250 - 300 người thường xuyên sinh hoạt, thực hành di sản tại các CLB hay các di tích như đình Kim Ngân, Bích Câu đạo quán, khu phố cổ và chợ Đồng Xuân... thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Một di sản độc đáo khác chỉ có ở Hà Nội là Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, được UNESCO ghi danh năm 2010, cũng là điển hình về công tác bảo tồn DSVHPVT trên địa bàn Thủ đô. Đây là lễ hội lớn, có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm với sự tham gia của hàng trăm vai diễn (hội Gióng đền Phù Đổng) và thu hút hàng trăm nghìn lượt khách về dự hội mỗi năm (hội Gióng đền Sóc). Việc bảo tồn những tục hèm kết hợp với phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, phù hợp với xu thế phát triển được Hà Nội thực hiện tốt trong những năm qua đã mang lại niềm vui cho khách dự hội, đồng thời truyền tải nét đẹp truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cuối cùng là Nghi lễ và trò chơi kéo co - di sản đa quốc gia được UNESCO ghi danh năm 2015 cho Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines. Nghi lễ này có mặt tại nhiều địa phương của Việt Nam như Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh và Hà Nội. Kể từ khi được công nhận đến nay, di sản này cũng phát triển nhanh chóng và được thực hành rộng rãi.

Hiệu quả từ việc thực hành và truyền dạy

Theo quan điểm của UNESCO, bảo tồn di sản không có nghĩa là “đóng băng” di sản mà phải duy trì sức sống của di sản, truyền đạt được tri thức, kỹ năng và ý nghĩa của di sản. Điều đó đòi hỏi cộng đồng - chủ sở hữu di sản phải tập trung vào các hoạt động liên quan tới việc lưu giữ, truyền dạy di sản cho các thế hệ sau.

di-san-2.jpg
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt - một trong những Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhiều năm qua, hoạt động truyền dạy các loại hình DSVHPVT trên địa bàn Hà Nội vẫn được các nghệ nhân âm thầm thực hiện. Đến thăm CLB ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên), từ đầu xóm du khách đã có thể nghe thấy tiếng trống phách và tiếng hát vang rền, nền nẩy của các ca nương, nghệ nhân trong CLB. Dù đã 98 tuổi nhưng Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Khướu vẫn đều đặn đến sinh hoạt, truyền dạy các làn điệu, thể cách cổ cho những Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và người lớn trong CLB, để rồi chính họ lại truyền dạy cho các em nhỏ 10 - 13 tuổi. Đều đặn hằng tháng, 28 hội viên của CLB vẫn giữ nếp sinh hoạt để học hỏi những kỹ thuật hát ca trù.

Tại nhiều CLB khác, các nghệ nhân trong độ tuổi 60 - 90 hiện cũng tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ một cách say mê, như NNND Chu Chí Cang, 86 tuổi (CLB ca trù Ngãi Cầu), NNƯT Ngô Văn Đảm, 93 tuổi (CLB ca trù Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam), hay thế hệ nghệ nhân trẻ hơn nhưng không kém phần tài năng như NNƯT Nguyễn Thúy Hòa (CLB ca trù Thái Hà), NNƯT Phạm Thị Huệ (CLB ca trù Thăng Long)... Hằng năm, Sở VH-TT Hà Nội hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn ca trù cho các CLB hay tổ chức các liên hoan, hội thi, các hoạt động trình diễn, giới thiệu nghệ thuật ca trù, từng bước giúp di sản này thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Đối với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, từ năm 2016 đến nay, Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, CLB hát văn xứ Đoài... cùng các nghệ nhân, cộng đồng triển khai các kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản như thực hiện kiểm kê, nhận diện di sản, thống kê danh mục địa điểm và chủ thể thực hành di sản; Liên hoan thực hành nghi lễ hầu đồng, tọa đàm diễn xướng nghệ thuật hát chầu văn... Những biện pháp trên đã góp phần tuyên truyền về giá trị văn hóa - lịch sử, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trên địa bàn Hà Nội.

Khuyến khích giữ gìn di sản

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản được UNESCO ghi danh, cùng với đó là hiện tượng trục lợi, thương mại hóa, mê tín dị đoan... khiến di sản bị biến dạng; nhưng theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, thành phố đã nỗ lực trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tiến hành nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê, tư liệu hóa di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục di sản nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản...

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước khi HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, nghệ nhân và CLB tiêu biểu trong lĩnh vực DSVHPVT thành phố Hà Nội. Theo đó, các NNND, NNƯT sẽ được Nhà nước hỗ trợ một lần với mức kinh phí lần lượt là 40 triệu và 30 triệu đồng/người. Các CLB tiêu biểu sẽ được hỗ trợ lần đầu khi thành lập là 50 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho các CLB tiêu biểu là 20 triệu đồng/CLB/năm. Đây là chính sách thiết thực nhằm tôn vinh các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

NNND Bùi Quốc Thi, Chủ nhiệm CLB hát văn xứ Đoài bày tỏ: “Tôi cùng 3 NNƯT khác trong CLB rất phấn khởi khi nhận được số tiền hỗ trợ của thành phố. Đây là sự ghi nhận của các cơ quan chức năng đối với những đóng góp trong suốt mấy chục năm qua của chúng tôi trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt và các di sản khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét đẹp, nền nếp và quy chuẩn của việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu để các em chung tay giữ gìn di sản, tránh xa các hành động, tâm lý trục lợi, mê tín dị đoan, thương mại hóa làm méo mó di sản; để họ trở thành những cung văn, thanh đồng, thủ nhang lịch sự, chuẩn mực”. Còn NNƯT Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn chia sẻ: “Nghị quyết về hỗ trợ nghệ nhân và CLB tiêu biểu của HĐND thành phố thực sự là nguồn động viên to lớn với chúng tôi. Suốt 15 năm qua, tôi và các nghệ nhân trong CLB vẫn luôn nỗ lực truyền dạy nghệ thuật ca trù cho thế hệ trẻ với mong muốn di sản được trao truyền, để mạch nguồn di sản của cha ông mãi mãi trường tồn. Đấy chính là tài sản lớn nhất dành cho các thế hệ sau này để họ định vị giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.