Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để người nghèo ở lại phía sau

Minh Ngọc| 17/10/2018 06:56

(HNM) - Năm 2018, toàn TP Hà Nội ước có hơn 7.500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,3%, vượt chỉ tiêu đề ra. Có được kết quả này là nhờ các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, không để người nghèo ở lại phía sau.

Bàn giao nhà mới có đầy đủ vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho hộ khó khăn ở thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức).


- Xin ông cho biết TP Hà Nội tạo “đòn bẩy” cho hộ nghèo vươn lên bằng cách nào?

- Với mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1,2%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn dưới 1,5% và ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 3%, các cấp, các ngành, địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo.

Ngoài những chương trình khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội tạo cơ hội thuận lợi và sinh kế cho người nghèo vươn lên. Những hộ thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhận hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Những hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm. Từ năm 2013 đến nay, TP Hà Nội mở hơn 4.000 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp cho hơn 100.000 người, trong đó có gần 20.000 người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật… Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và mạng lưới sàn giao dịch việc làm vệ tinh liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm để lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với thông tin về thị trường lao động.

Các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả như hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất, kinh doanh, tặng bò sinh sản, nhận đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi, hỗ trợ thường xuyên cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Thành viên hộ nghèo bị mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, 100% hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm…

Ngoài hình thức trợ giúp trực tiếp dựa theo nhu cầu, khả năng của từng hộ, các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư cho một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo được ưu tiên trợ giúp pháp lý, miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...

- Năm 2018, TP Hà Nội tập trung hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo. Chính sách này được triển khai ra sao, thưa ông?

- Việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25-1-2018 của UBND TP Hà Nội là chính sách nhân văn, nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và cộng đồng.

Căn cứ kết quả khảo sát của các địa phương, UBND TP Hà Nội trích ngân sách hơn 100 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; huy động và phân bổ thêm hàng chục tỷ đồng cho 15 huyện, thị xã có hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng cho huyện Ba Vì; 1,5 tỷ đồng cho huyện Mỹ Đức và 1 tỷ đồng cho huyện Chương Mỹ; Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đồng hành với huyện Thường Tín, Phú Xuyên và nhiều địa phương khác trong quá trình triển khai chính sách…

Nhờ sự góp sức từ nhiều phía, những hộ nghèo có nhu cầu cải thiện điều kiện về nhà ở được hỗ trợ tối thiểu 45 triệu đồng/nhà xây mới, 35 triệu đồng/nhà sửa chữa, trong đó có 25 triệu đồng vay ưu đãi không lãi suất trong thời hạn 15 năm. Một số địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn thành phố có 4.124 hộ nghèo đã tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở, tăng 78 nhà so với kế hoạch.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả nổi bật mà các chính sách, giải pháp mang lại?


- Hiệu quả của các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo do TP Hà Nội triển khai đã được kiểm chứng trong thực tế. Rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm nhanh, bền vững. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo là 3,64%, đến đầu năm 2017 chỉ còn 2,37% và tiếp tục giảm xuống còn 1,69% vào đầu năm 2018. Trong năm nay, toàn thành phố ước giảm hơn 7.500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,3% vào cuối năm 2018. Tính theo chuẩn nghèo trung ương, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Nội còn dưới 0,6%. Đáng chú ý, đến nay, TP Hà Nội có quận Ba Đình, Cầu Giấy và Tây Hồ không còn hộ nghèo, quận Thanh Xuân phấn đấu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2018.

Với hơn 4.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở trong năm 2018, hiện nay, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Sống trong nếp nhà khang trang, người nghèo yên tâm lao động, học tập, cơ hội thoát nghèo rộng mở, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Theo ông, các bên liên quan cần thực hiện giải pháp nào để có thể đạt mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo trong vài năm tới?

- Theo tôi, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng hộ, tính đặc thù của từng địa phương. Với đối tượng không có khả năng tự thoát nghèo, kinh nghiệm cho thấy không có cách nào tốt hơn là vận động xã hội hóa để trợ giúp trực tiếp cho họ có cuộc sống trên mức chuẩn nghèo.

Giải pháp lâu dài và bền vững là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, vững vàng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, không để cá nhân và gia đình rơi vào cảnh nghèo. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo nghề. Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số là đối tượng ưu tiên của chính sách này.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra nhu cầu học nghề của người lao động, tạo căn cứ xây dựng chỉ tiêu và tổ chức dạy nghề đúng đối tượng. Mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ được nhân rộng.

Mục tiêu “không để người nghèo ở lại phía sau” hoàn thành sớm hay không phụ thuộc rất lớn vào sự giúp sức của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Vì vậy, tôi mong muốn toàn xã hội dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho người nghèo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để người nghèo ở lại phía sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.