Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để hình thành “điểm nóng“

Dạ Khánh| 29/04/2023 06:44

(HNM) - Trước các tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư, ngày 28-6-2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố”. Sau hơn 3 năm triển khai nghị quyết, các cấp, ngành đã kịp thời nắm tình hình, xử lý, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Ra mắt Ban quản trị tòa nhà chung cư Hope Residences (quận Long Biên), tháng 2-2023. Ảnh: Thanh Hải

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay trên địa bàn Thủ đô đã có 1.135 cụm, tòa nhà chung cư thương mại (trong đó có 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực) và 199 tòa nhà chung cư tái định cư. Trong quá trình vận hành, sử dụng, loại hình nhà ở này đã phát sinh một số tồn tại, điển hình là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư với ban quản trị và người dân. Các tranh chấp, khiếu kiện chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh phí bảo trì, diện tích chung - riêng... Tại một số tòa nhà, việc tranh chấp đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh cho biết, để giải quyết các tồn tại trong quản lý, vận hành nhà chung cư, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố”. UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch triển khai nghị quyết. Theo đó, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động, bằng nhiều hình thức tới các chủ đầu tư, cư dân ngay từ khi góp vốn, mua bán, vận hành nhà chung cư.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng ban hành kế hoạch thực hiện; trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về vận hành, sử dụng nhà chung cư; chủ động nắm bắt và kịp thời xử lý tranh chấp, khiếu kiện phát sinh; chú trọng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự xã hội; tăng cường giám sát, kiểm tra việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư...

Nhiều kết quả tích cực

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, trên địa bàn quận có 32 cụm (56 tòa) nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. UBND quận đã căn cứ vào tình hình thực tế, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai quy định của pháp luật, văn bản của Thành ủy, UBND thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, bao gồm việc chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện.

“Cơ bản các chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư đã chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đoàn kiểm tra của UBND thành phố Hà Nội tại buổi kiểm tra công tác quản lý, vận hành, sử dụng chung cư Amber Riverside (quận Hai Bà Trưng).

Về kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Trần Ngọc Minh cho biết, đến nay, trong số 1.135 cụm, tòa nhà chung cư thương mại, có 804 tòa thành lập ban quản trị, 723 nhà được chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, 567 nhà được bàn giao kinh phí bảo trì (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở không có kinh phí bảo trì), 709 nhà đã được bàn giao diện tích sở hữu chung, 700 nhà đã được bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng. Trong 199 tòa nhà chung cư tái định cư, có 103 tòa nhà đã thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì, diện tích chung...

Bên cạnh tập huấn, phổ biến kiến thức, hướng dẫn, hằng năm, Sở Xây dựng cũng ban hành kế hoạch, kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, Thanh tra Sở Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra 81 nhà chung cư có tranh chấp, khiếu nại; xử lý vi phạm hành chính 17 trường hợp với tổng số tiền 1,24 tỷ đồng.

Sở Xây dựng đánh giá, sự vào cuộc của các cấp, ngành, cùng công tác kiểm tra, xử lý sai phạm đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, vẫn còn khiếu kiện, mà nguyên nhân là do hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ; việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm.

Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở chủ động báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn; tham mưu UBND thành phố đề xuất với Bộ Xây dựng, Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật về nhà ở cho phù hợp thực tiễn. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để hình thành “điểm nóng“

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.