Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông chính sách cho doanh nghiệp khoa học

Thu Hằng| 01/07/2022 07:27

(HNM) - Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bên cạnh những hiệu quả tích cực đáng ghi nhận, vẫn còn một số cơ chế, chính sách sau rất nhiều năm chưa đi vào thực tế cuộc sống, nên rất cần được sớm khơi thông.

Giới thiệu với khách hàng các sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải tại Triển lãm “Thành tựu 60 năm khoa học và công nghệ Thủ đô”. Ảnh: Thu Hằng

Nhiều chính sách hỗ trợ chưa tới được các doanh nghiệp

Phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển, như: Các ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí, tín dụng, sử dụng các dịch vụ khoa học và công nghệ… Tuy nhiên, một số chính sách trong quá trình thực thi đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội Lưu Hải Minh, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đây cũng là một rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư...

Còn theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, đa số các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội thuộc loại nhỏ hoặc siêu nhỏ, cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu do thiếu vốn đầu tư, không vay được vốn vì không có tài sản thế chấp... Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhân rộng, phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ do tiếp cận nguồn vốn khó khăn, lãi suất cao...

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cũng thừa nhận, nhiều chính sách hỗ trợ chưa tới được các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. “Cho vay tín dụng nhưng không cho đặt bằng sáng chế, không cho đặt dự án khoa học thì nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ khó có thể tiếp cận được kênh tín dụng. Do vậy, những ưu đãi về tín dụng cũng không có tác dụng gì”, ông Phạm Hồng Quất nói.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, kết quả khoa học và công nghệ khác có thể định giá bằng đồng Việt Nam là tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp. Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sở hữu hợp pháp có quyền sử dụng tài sản để góp vốn. Đây là cơ sở để triển khai việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ, thúc đẩy việc hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Để các “hạt giống” nảy mầm và phát triển

Khoản 7, Điều 20 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ đã quy định, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, đào tạo của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước thành lập. Tuy nhiên, nội dung này đến nay vẫn chưa thực hiện được do các cơ chế chính sách liên quan vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, số lượng vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn quá ít so với tiềm năng. Khung pháp lý về vườn ươm còn sơ khai, phạm vi điều chỉnh còn hẹp và chưa phù hợp với thực tiễn. Nguồn tài chính đầu tư hiện nay cho các vườn ươm chủ yếu là trường đại học, ngân sách nhà nước còn hạn chế và chủ yếu mang tính chất thử nghiệm. Các vườn ươm không có pháp nhân độc lập, chỉ là bộ phận trực thuộc trung tâm, đơn vị sự nghiệp của cơ quan chủ quản.

Tiến độ triển khai vườn ươm công nghệ trong trường đại học diễn ra chậm so với kế hoạch. Với một số doanh nghiệp quan tâm đến kết quả nghiên cứu của trường đại học, thì câu chuyện pháp lý và thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đến doanh nghiệp đang là “điểm nghẽn” do kết quả nghiên cứu của trường đại học chủ yếu do ngân sách nhà nước hỗ trợ, vì thế quyền sở hữu đang thuộc về Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017.

Các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa có mô hình, quy trình triển khai và cơ chế quản lý thích hợp. Các kế hoạch kinh doanh của vườn ươm chưa được điều chỉnh, bổ sung theo thực tế triển khai; chưa có đủ mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp phục vụ cho công tác ươm tạo, các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp ở mức cơ bản, nên chưa hỗ trợ kịp thời cho các “hạt giống” nảy mầm và phát triển. Số lượng, chất lượng dịch vụ tại các vườn ươm hiện có còn hạn chế, nên chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành, phát triển.

Trong số 122 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội (tính đến thời điểm tháng 5-2022), chưa có doanh nghiệp nào được ươm tạo trong các cơ sở ươm tạo đóng trên địa bàn. Chưa có doanh nghiệp khoa học và công nghệ nào “nảy mầm” từ vườn ươm của các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc cơ sở ươm tạo của Nhà nước. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành, phát triển trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là “tự ươm”. Do đó, thời gian tới, cần thúc đẩy hình thành các cơ sở ươm tạo và có giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ của các vườn ươm hiện có, thì mới có thể thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hình thành, phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông chính sách cho doanh nghiệp khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.