Công nghệ

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Nhiều bất cập cần giải quyết

Trần Nhân 07/11/2023 - 07:20

Phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hình thành hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

cong-nghe.jpg
Giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam tại Triển lãm Techfest Hanoi 2023.

Số lượng chưa như kỳ vọng

Hiện cả nước có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên mọi lĩnh vực, nhưng số lượng doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 714 doanh nghiệp. Con số này cũng rất khiêm tốn nếu so với mục tiêu “đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ” (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Xuân Đích, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng... cùng với việc Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, nhưng việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa được như kỳ vọng.

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam Hoàng Đức Thảo cho biết, việc đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn nhiều quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp, như: Doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học và công nghệ. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp khoa học công nghệ sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi; do vậy không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định và dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay, lúng túng trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.

Theo ông Hoàng Đức Thảo, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tuy nhiên, trong quá trình thực thi, nghị định này mang lại kết quả cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Khảo sát 167 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho thấy, đa số các doanh nghiệp không được hưởng chính sách ưu đãi này.

Một nguyên nhân khác khiến cho nhiều doanh nghiệp, mặc dù đủ điều kiện công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng lại không gửi đơn đăng ký vì một số ưu đãi dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ họ đã được hưởng gần hết. Cụ thể, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ được hưởng ưu đãi 4 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, 9 năm tiếp theo giảm 50%, nhưng tổng thời gian được hưởng ưu đãi không được vượt quá thời gian đó. Nếu được hưởng ưu đãi từ các luật khác như Luật Đầu tư, ưu đãi theo địa bàn, ưu đãi theo lĩnh vực… cũng phải tổng hợp tất cả thời gian ưu đãi. Vì vậy, các chính sách ưu đãi không còn hấp dẫn doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cần những giải pháp thiết thực

Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong thời gian tới, cần thêm những giải pháp thiết thực từ doanh nghiệp, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các địa phương. Trong đó, cần xác định việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải được đặt trong tổng thể mô hình phát triển doanh nghiệp của mỗi địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam Hoàng Đức Thảo kiến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ. Bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ. Theo đó, những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nghiên cứu mang tính quốc gia, liên quan đến quốc phòng, an ninh thì Nhà nước quản lý, còn những nghiên cứu khác hãy xã hội hóa, tạo sân chơi cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu, đấu giá. Cần xóa bỏ cơ chế xin cho, chỉ định thầu. Không nên chỉ giao đề tài, chỉ tiêu cho viện nghiên cứu, trường đại học. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định...

Ông Trần Xuân Đích cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những thay đổi, tháo nghẽn nhiều điểm về cơ chế chính sách, tiêu chí công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và hồ sơ, điều kiện thủ tục theo hướng tăng tính đơn giản thủ tục hành chính và tăng tính hậu kiểm.

Theo Kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ giai đoạn 2023-2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ; tham mưu, kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ một cách cụ thể và rõ ràng, đồng thời hỗ trợ kết nối các nhà khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Nhiều bất cập cần giải quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.