(HNM) - Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi “Chiến lược khoa học và công nghệ của thành phố” được ban hành (năm 2012), Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, song đến nay, số doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn khiêm tốn. Để đạt mục tiêu có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2025, thành phố cần “đánh thức” doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách thiết thực và kết nối với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các viện, trường…
Chưa tương xứng với tiềm năng
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành và tổ chức triển khai một số hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, tiếp nhận công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tính đến hết tháng 5-2022, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 122 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển chiếu sáng (Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) Nguyễn Hồng Thu, các chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ cùng với cơ chế ưu đãi áp dụng với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là tiền đề cho công ty đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước tham gia nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh. Chính vì vậy, năm 2021, dịch Covid-19 làm gián đoạn nền kinh tế, song doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng 16%, lợi nhuận tăng 18,4%, xuất khẩu tăng 27,8% so cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2022, doanh thu tiếp tục tăng 16,3%, lợi nhuận tăng 16,6% và xuất khẩu sản phẩm LED tăng 92,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, so với tiềm năng khoa học và công nghệ của Thủ đô, thì số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn quá khiêm tốn. Hiện tại, chỉ có 7,7% nhiệm vụ khoa học và công nghệ do doanh nghiệp chủ trì và có 3/122 doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, đa số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố thuộc loại nhỏ hoặc siêu nhỏ, cơ sở vật chất còn yếu do thiếu vốn đầu tư, nhưng không vay được vốn vì không có tài sản thế chấp. Bởi, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khoa học và công nghệ là tài sản trí tuệ, song không được tổ chức tín dụng chấp thuận làm tài sản thế chấp do không định giá được. Trong khi đó, thị trường khoa học và công nghệ còn manh mún, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt…
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, theo Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong, Nhà nước và thành phố nên điều chỉnh xây dựng mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp bền vững.
Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển chiếu sáng (Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) Nguyễn Hồng Thu, để thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa các viện, trường, nhà khoa học và doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ công tác truyền thông, tuyên truyền và xúc tiến thương mại các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là sản phẩm trong lĩnh vực chuyên dụng, có tính công nghệ và sáng tạo cao.
Đánh giá về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cho hay, nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng đến do những khó khăn, vướng mắc trong việc chi tiêu quỹ theo quy định hiện hành.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có tối thiểu 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ngoài việc tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND về “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến năm 2025” và Chương trình số 07-Ctr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy Hà Nội, Sở đang nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố xem xét, bổ sung một số giải pháp đột phá, nhằm tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp tương xứng với tiềm lực khoa học và công nghệ của Thủ đô. Trong thời gian tới, Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội tại Khu liên cơ 258 Võ Chí Công và Vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đi vào hoạt động, sẽ giúp hỗ trợ hình thành, phát triển tổ chức trung gian ở lĩnh vực này.
“Sở cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan, thông qua các hoạt động cụ thể”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.