Doanh nghiệp

Nâng chất lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thu Hằng 17/10/2023 07:08

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bên cạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng như cả nước.

thien-phuc.jpg
Giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc với khách hàng tại Techfest Hà Nội 2023.

Hiệu quả bước đầu

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ và sản phẩm Meey Land là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ bất động sản. Meey Land tập trung phát triển Hệ sinh thái công nghệ - tài chính bất động sản với nhiều sản phẩm chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của người dùng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ và sản phẩm Meey Land Nguyễn Tiến Lâm thông tin, sau khi được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, công ty được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, trong các hoạt động về đăng ký sở hữu trí tuệ và cấp giấy phép hoạt động cho các sản phẩm cũng được ưu tiên.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (công ty sản xuất nấm quy mô công nghiệp) Dương Thị Thu Huệ cho biết: “Chúng tôi nhập khẩu giống của Nhật Bản 7 năm nay và đã nghĩ đến việc làm sao để không phải nhập khẩu giống nữa. Từ khi được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2022, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu và mời các đối tác Nhật Bản sang hỗ trợ. Trong tương lai, công ty sẽ sản xuất giống nấm tại Việt Nam để không chỉ chủ động nguồn giống mà còn giúp các doanh nghiệp khác”.

Với các cơ chế ưu đãi, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã và đang triển khai, những năm qua, không những số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng nhanh mà chất lượng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ được đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đổi mới công nghệ, liên kết với đối tác nghiên cứu, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước nhiều sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hỗ trợ ươm tạo

Bên cạnh những kết quả bước đầu thì cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn còn bất cập, cần bổ khuyết.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là vốn. Điều này đến từ việc không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng, trong khi vốn vay ưu đãi rất khó tiếp cận. Ông Lưu Hải Minh kiến nghị Hà Nội nên là địa phương tiên phong về định giá sáng chế và thí điểm cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được vay vốn nghiên cứu từ Quỹ Khoa học và Công nghệ Hà Nội với phương án tín chấp từ định giá.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc (doanh nghiệp tiên phong trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tăng cường nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Hà Nội đang có gần 160 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đây là thách thức rất lớn với Thủ đô.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cả về số lượng và chất lượng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà cho hay, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, thành phố sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, qua đó giúp họ hiểu hơn về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, các ứng dụng, nghiên cứu công nghệ mới, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó là tập trung hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của Thủ đô, các chương trình sản xuất thử nghiệm, qua đó đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; tập trung phát triển thị trường khoa học và công nghệ, xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, tiến tới là Sàn giao dịch công nghệ quốc gia. Thành phố cũng tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, các sự kiện Techmart, Techfest... để các doanh nghiệp có thêm cơ hội đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tổ chức các giải thưởng về khoa học và công nghệ, chẳng hạn như Hội thi Sáng tạo kỹ thuật để khuyến khích người dân, doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp hữu ích, công nghệ mới..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô và đất nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và lợi ích của doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng sẽ được tăng cường, với hy vọng tạo ra làn sóng mới trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.