Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 28/02/2018 07:14

(HNM) - Thời gian qua, các ngành chức năng Hà Nội đã tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh lĩnh vực này còn khó khăn...


Số lượng nhiều nhưng phân tán

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội: Trong năm 2017, toàn thành phố đã kiểm tra xếp loại 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó có 26 cơ sở xếp loại C. Các quận, huyện, thị xã kiểm tra 1.230 cơ sở, phát hiện 356 cơ sở xếp loại C. Ngoài việc đánh giá, xếp loại, các đơn vị của Sở NN&PTNT tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Kết quả đã kiểm tra 2.499 cơ sở, trong đó có 591 cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 800 triệu đồng. Đồng thời, kiểm tra 18.821 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và phát hiện 1.608 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.


Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Hiện nay, việc quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vẫn khó khăn do các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều nhưng nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Thậm chí, khi tới mùa vụ thì bán hàng theo kiểu tạp hóa. Trong khi việc thanh tra, kiểm tra ở các địa phương mới tập trung vào đại lý, cơ sở phân phối lớn, cơ sở nhỏ lẻ chưa thường xuyên nên vẫn xuất hiện vi phạm. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, các lỗi vi phạm gồm: Không đăng ký kinh doanh; chất lượng không phù hợp với đăng ký; sai nhãn mác hàng hóa; thiếu thông tin bảo quản; sai hoặc ghi thêm công dụng; không có kệ để sản phẩm; niêm yết giá không đầy đủ hoặc không để giá; sử dụng chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng; không lưu giữ hồ sơ liên quan đến sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh...

Trao đổi về những vấn đề trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Toàn huyện hiện có gần 8.000 hộ kinh doanh thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Có số lượng cơ sở lớn nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chỉ hoạt động theo mùa vụ. Trong khi lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành mỏng nên việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất cũng gặp khó khăn. Việc phối hợp giữa các ngành trong kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm chưa chặt chẽ, nên rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là đối với cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà: Trên địa bàn huyện có gần 500 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm nông nghiệp, nhưng các cơ sở này hoạt động không liên tục, thường có sự biến động, gây khó khăn cho việc quản lý; ngoài ra, kinh phí ngân sách cấp cho công tác này chưa được quan tâm, gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện...

Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm


Để công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, từng bước hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng: Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá xếp loại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 của Bộ NN&PTNT về quy định kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đối với cơ sở xếp loại C, tái kiểm tra nhiều lần vẫn không khắc phục vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về phía chính quyền địa phương, cần thống kê đầy đủ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, yêu cầu các hộ ký cam kết bảo đảm kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường hơn nữa trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch, duy trì kiểm tra cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản đột xuất, thường xuyên. Còn chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp, kiên quyết đình chỉ những cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố xem xét, cấp bổ sung kinh phí hằng năm phục vụ việc lấy mẫu giám định, kiểm nghiệm sản phẩm hàng hóa cũng như công tác thống kê, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản bảo đảm đạt hiệu quả.

Đồng thời, chính quyền các cấp của thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân trong sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.