Nông nghiệp

Kiểm soát chặt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

Quỳnh Dung 12/08/2023 - 06:48

Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh kiểm soát cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ nguồn “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.

vat-tu-nn.jpg
Cán bộ nông nghiệp xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) kiểm tra một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Ảnh: Hương Giang

Vẫn còn nhiều bất cập

Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó lập danh sách được 13.747 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra, xếp loại 125 lượt cơ sở (trong đó có 1 cơ sở được xếp loại A, 116 cơ sở xếp loại B, 5 cơ sở xếp loại C, 3 cơ sở không đánh giá do không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đúng địa điểm, không thuộc đối tượng quản lý); cấp 116 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều, hình thức nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng.

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương thanh, kiểm tra chất cấm, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, các đơn vị kiểm tra 94 cơ sở và phát hiện 2 cơ sở vi phạm, phạt hành chính số tiền gần 40 triệu đồng về hành vi bán thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.

Về những khó khăn trong quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, việc xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhiều, trong khi lực lượng chuyên môn của huyện và xã còn mỏng. Ngoài ra, các ngành chức năng không dễ kiểm soát nhiều loại phân bón, giống cây trồng bán tại chợ dân sinh…

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, vẫn còn nhiều cửa hàng không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh; không nắm bắt được các loại hàng hóa trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Thậm chí có những cơ sở kinh doanh hiện không đăng ký, nhưng tới mùa vụ thì bán hàng theo kiểu tạp hóa, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra chất lượng. Ở một số địa phương, việc thanh tra, kiểm tra mới chủ yếu tập trung vào các đại lý, cơ sở phân phối lớn...

Siết chặt công tác quản lý

Để tránh tình trạng người dân mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, định kỳ huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh trái quy định, quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về sản xuất, kinh doanh cũng như tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm thật - giả, sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương quản lý, kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, từ sản xuất, kinh doanh, buôn bán đến sử dụng, hạn chế tối đa thiệt hại cho nông dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từng bước được đổi mới, tăng cường theo chuyên ngành, đột xuất, kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm, xử lý triệt để vi phạm và loại bỏ những vật tư nông nghiệp không có trong danh mục lưu hành, kém chất lượng, gây tác hại đến sức khỏe con người... Các địa phương bố trí kinh phí thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tăng cường kiểm soát chất lượng tiếp thị của những doanh nghiệp, đại lý mời chào người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra theo định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, hướng dẫn người dân mua vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh cố định, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khuyến cáo nông dân sau khi mua sắm vật tư nông nghiệp cần giữ lại bao bì, ghi chép nhật ký sử dụng, khi phát hiện có dấu hiệu hàng giả, kém chất lượng cần báo cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở cũng sẽ tăng cường lấy mẫu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y…, kiểm tra, đánh giá chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Người dân khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp, kháng sinh, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.