Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó nhưng thiết thực

Mai Lâm| 07/09/2016 06:15

(HNM) - Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có sự thay đổi. Đó là sự tiếp cận đa chiều để có thể giảm nghèo bền vững và với cách tiếp cận này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn của không chỉ mỗi hộ nghèo, cận nghèo, mà còn của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở.


Cụ thể, tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 chỉ quy định về mức thu nhập của thành viên các hộ trong diện nghèo, cận nghèo. Còn tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài những quy định về thu nhập còn có những tiêu chí mới, bao gồm 5 dịch vụ xã hội cơ bản là y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Chưa hết, để “đo” mức độ nghèo, còn phải dựa trên 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác như: Tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt...

Lâu nay, nói về xóa đói, giảm nghèo, mọi người thường nghĩ tới việc “cho chiếc cần câu hơn cho con cá”. Đó là quan điểm rất đúng. Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã có nhiều chương trình thoát nghèo cụ thể mà nổi bật là Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đó còn là các chương trình cho vay vốn phát triển kinh tế, cho vay con giống, hỗ trợ đào tạo nghề, hướng nghiệp… của mỗi bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, các hộ nghèo, vốn đã nghèo lại thường gặp những rủi ro hết sức “đặc thù”. Chẳng hạn như khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Do không có điều kiện kinh tế, cộng với hệ thống y tế cơ sở hạn chế, nên nhiều người chỉ tới bệnh viện khi bạo bệnh phát tác và đương nhiên chi phí điều trị vô cùng tốn kém. Thêm khoản vay để chữa bệnh, nên người nghèo lại… càng nghèo. Thu nhập có thể vượt “chuẩn nghèo”, nhưng điều kiện sống hạn chế; nước sạch, vệ sinh chưa bảo đảm, hoàn toàn có thể gây bệnh khó lường và có hộ vừa thoát nghèo đã trở lại ngưỡng… nghèo. Người nghèo, điều kiện học hành không đến nơi đến chốn, trình độ có hạn nên dù được hỗ trợ vốn nhưng không biết làm gì để tiền đẻ ra tiền, dẫn tới “ăn cả vốn vay”, chứ không hẳn “giàu ham việc, thất nghiệp ham ăn” mà dẫn tới đói nghèo…

Cách tiếp cận chuẩn nghèo, cận nghèo thay đổi cũng nhằm kiến tạo những giá trị ý nghĩa, thực chất để khi hộ nào đã thoát nghèo thì sẽ là bền vững đúng như quan điểm điều hành mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh - chuyển từ “điều hành mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo và phục vụ” .

Vấn đề đặt ra mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố phải có những chương trình, kế hoạch, giải pháp và hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu cao hơn, khó hơn nhưng thiết thực và thực chất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó nhưng thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.