Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò giám sát của nhân dân

Hương Ly| 26/10/2017 07:22

(HNM) - Thời gian qua, việc thẳng thắn góp ý phê bình những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên đã khẳng định vai trò giám sát của nhân dân nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân giúp phát hiện, ngăn ngừa các sai phạm từ cơ sở. Ảnh: Thái Hiền


Kịp thời xử lý nghiêm sai phạm

Đầu tháng 7-2017, do được một người khác đưa đi ăn trưa cùng và đỗ xe ô tô sai quy định, gây bức xúc trong nhân dân, Thường trực Quận ủy Thanh Xuân (Hà Nội) đã yêu cầu một lãnh đạo UBND quận nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trước đó, vào tháng 4-2017, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bình Thuận cũng quyết định kỷ luật Đảng đối một nữ Phó Giám đốc Sở Tư pháp do đã có hành vi bẻ hoa mai anh đào trong khu du lịch để chụp ảnh, đăng trên mạng xã hội, gây bất bình trong dư luận.

Việc hai cán bộ địa phương ứng xử chưa phù hợp tại nơi công cộng đã được người dân, dư luận phản ánh. Từ thông tin giám sát của nhân dân, cấp ủy đã tiến hành xem xét, xử lý hành vi sai phạm, khẳng định tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng. Thực tế này cũng khẳng định, hoạt động giám sát của nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc siết chặt và nâng cao kỷ luật Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn... Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng...

Phản ánh của nhân dân về tình trạng vi phạm kỷ luật Đảng thời gian qua cũng cho thấy nhiều thách thức trong việc nhận diện, đấu tranh với sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế này cũng khẳng định, tổ chức Đảng cần giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng, mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị để mỗi người dân đều có thể tham gia giám sát, phê bình, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Củng cố niềm tin trong nhân dân

Tại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ký tên X.Y.Z của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi viết về trách nhiệm của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 3 điểm chính: Trọng lợi ích của Đảng hơn hết; rèn luyện đạo đức cách mạng theo 5 tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; giữ nghiêm kỷ luật.

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 99-QĐ/TƯ hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hướng dẫn khung này được phổ biến đến chi bộ, công khai để nhân dân biết và tích cực tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tại Quyết định 99-QĐ/TƯ, Ban Bí thư cũng yêu cầu việc phát huy vai trò của nhân dân phải được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân. Các nội dung công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát bao gồm: 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp...

Đánh giá về tầm quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật Đảng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc tập trung thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu, được Đảng ta đề ra tại Đại hội XII. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong việc giám sát, siết chặt kỷ luật Đảng, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa diễn ra trung tuần tháng 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Việc đề cao vai trò của nhân dân, tăng cường công tác quản lý, giám sát đảng viên sẽ góp phần quan trọng nhằm siết chặt kỷ luật, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò giám sát của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.