(HNM) - Tư tưởng “lấy dân làm gốc” được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người khẳng định: “Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong”.
Lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân cả nước, sáng 11-6, Quốc hội đã biểu quyết dừng thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ảnh: Hồ Như |
Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ tiếp tục chỉnh lý Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Bên cạnh việc đề nghị dừng thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, chỉnh lý dự án theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Nhận xét về sự kiện này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, quyết định này đã thể hiện Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu và nhân dân.
Chính phủ cũng mong muốn sớm thông qua luật nhưng khi cử tri và đại biểu còn nhiều băn khoăn thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lắng nghe ý kiến người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Việc đề nghị lùi thời gian thông qua dự luật là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện đúng tinh thần dân chủ, các quyết sách xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. “Ý nghĩa của việc thành lập 3 đặc khu rất lớn. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta cần thận trọng, chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng luật” - đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Trước sự kiện này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, một Chính phủ và Quốc hội vì dân phục vụ đã được thể hiện rõ vào thời điểm quyết định này. Việc đề nghị lùi thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân bằng tâm thế rất cầu thị và tôn trọng; đề cao các ý kiến có giá trị của các chuyên gia, luật gia và bày tỏ tin tưởng người dân sẽ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đề xuất dừng thông qua dự luật, bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, khi đưa ra dự án luật đã có nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, của trí thức, của bà con Việt kiều qua việc nhắn tin, gửi email và gọi điện góp ý trực tiếp với Thủ tướng, “khí thế hết sức sôi nổi, tinh thần yêu nước như thế chúng ta hết sức hoan nghênh”.
Thủ tướng cũng khẳng định, chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, bảo đảm đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh nhưng phát triển bền vững, bảo đảm độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, bảo đảm quyền lợi quốc gia - dân tộc một cách căn bản.
Và kết quả là, sáng 11-6, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết dừng thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc với tỷ lệ 85,63%. Tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân trước những vấn đề lớn của đất nước đã một lần nữa khẳng định, tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng thực hiện.
Phát huy tinh thần dân chủ
Trong tác phẩm "Dân vận" đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949 với bút danh "X.Y.Z", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là phương châm luôn được Đảng, Nhà nước ta đề cao, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được thể hiện sinh động trong thực tiễn. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, trong tình hình thực tế hiện nay, hơn lúc nào hết, các tổ chức Đảng và các cấp chính quyền phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân cũng cần được thể hiện bằng cách hướng dẫn, tạo cơ chế để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ, giúp nhân dân thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng.
Hàng thập niên đã trôi qua, song tư tưởng của Người về “lấy dân làm gốc” vẫn vẹn nguyên giá trị. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước của Đảng, Nhà nước ta với mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.