Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác các sản phẩm có thế mạnh

Thanh Hiền| 03/05/2016 07:00

(HNM) - Sở Công thương Hà Nội vừa triển khai chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá phù hợp.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng Thủ đô.


Gắn chặt mối liên kết

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn Hà Nội và cả nước đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Nhận định về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian qua việc liên kết giữa các địa phương phía Bắc trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông sản, thủy hải sản vẫn rất lỏng lẻo. Ở nhiều nơi các cấp chính quyền chưa xác định rõ địa phương mình có sản phẩm gì là thế mạnh, doanh nghiệp (DN) đang cần hỗ trợ gì, cần liên kết với ai, địa phương nào để có chính sách hỗ trợ đồng bộ… Trong khi đó, ở đâu chính quyền quan tâm, chung tay với DN, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm thì nơi đó việc kết nối giao thương rất sôi động. Tại khu vực phía Bắc, nổi bật là hoạt động kết nối của Sở Công thương Hà Nội với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Lạng Sơn… nhằm hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá hợp lý tới người tiêu dùng Thủ đô.

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của hai bên. Các DN Hà Nội và Bắc Giang đã chủ động liên hệ nhằm kết nối khai thác sản phẩm thế mạnh như vải thiều, mỳ Chũ, các sản phẩm làng nghề… Được biết, trong năm 2016, Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hợp tác liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giai đoạn 2016-2020. Trong đó, hai bên lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP, có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội; tổ chức các chương trình đưa sản phẩm hàng hóa của Hà Nội tiêu thụ tại thị trường Bắc Giang; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm hàng hóa chủ lực của hai địa phương...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã đề nghị, các địa phương khu vực phía Bắc liên kết, hỗ trợ Hà Nội đưa các sản phẩm thế mạnh, như may mặc, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng… về các địa phương tiêu thụ. Ngược lại, Hà Nội sẵn sàng giúp các địa phương đưa các sản phẩm rau, củ, quả, thủy - hải sản, đặc sản các vùng, miền… về tiêu thụ tại Thủ đô. Hiện, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe. Vì vậy, nhà sản xuất phải chú ý đến thương hiệu, chất lượng, bao bì của sản phẩm, phải có nguồn cung hàng ổn định...

Cần cơ chế hợp tác hiệu quả

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, tìm hướng đi bền vững cho DN, giải pháp tốt nhất là các tỉnh cùng nhau xây dựng một cơ chế liên kết hợp tác hiệu quả. Trong đó, gốc rễ của vấn đề là phải liên kết hợp tác chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng thì mới bảo đảm tính chủ động và bền vững. Việc xây dựng một cơ chế pháp lý rõ ràng trong liên kết, chỉ huy và phối hợp các nguồn lực phát triển là rất cần thiết. Mỗi địa phương cần định hướng tốt vấn đề cung cầu; hướng dẫn DN, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tăng cường công tác tuyên truyền để nhà phân phối, người tiêu dùng nắm rõ thông tin, yên tâm sử dụng sản phẩm…

Với vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, năm 2016 UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công thương triển khai chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Qua đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh trong việc khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm công nghiệp bằng hình thức tổ chức các buổi giao thương tìm hiểu nhu cầu cung ứng giữa các bên, ký kết các biên bản hợp tác, hợp đồng mua bán hàng hóa và tổ chức khảo sát thực tế. Phối hợp, tạo điều kiện cho các DN Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước được tạo lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, cơ sở thu mua, chế biến hoặc hợp tác đầu tư tại các địa phương nhằm khai thác, tiêu thụ nguồn hàng hóa thế mạnh tại thị trường các tỉnh, thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu… Cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch phát triển thương mại, các quy hoạch hạ tầng, các cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tại các địa phương tới đơn vị có nhu cầu tìm hiểu, tham gia đầu tư xây dựng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác các sản phẩm có thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.