Giao thông

Kết nối giao thông - tạo động lực liên kết vùng

Tuấn Lương 24/01/2024 - 06:49

Đồ án quy hoạch giao thông vận tải là đồ án quy hoạch duy nhất trong 7 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, cho phép rà soát, đánh giá.

Thực hiện nhiệm vụ này, hàng loạt cuộc họp chuyên đề, hội nghị, hội thảo liên kết vùng đã được tổ chức, để bàn thảo, đưa ra những giải pháp kết nối về giao thông, giúp phát triển không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho cả Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

cau-2.jpg
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng đã kết nối hiệu quả hai bên bờ sông Hồng. Ảnh: Lê Khánh

Giải pháp cấp thiết, lâu dài và bền vững

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20% đến 26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt từ 3% đến 4%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được 50-55%.

Nhưng hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 10,35%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 17,8%. Trong khi đó, hằng năm, tỷ lệ gia tăng các phương tiện giao thông vào khoảng 4-5%. Vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá về phát triển hạ tầng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ để hạn chế tình trạng ùn tắc, quá tải về giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, những giải pháp chủ yếu vẫn tập trung vào việc điều chỉnh tổ chức giao thông hiện trạng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Giải pháp lâu dài, bền vững và cấp thiết là rà soát, hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải và triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông công cộng theo quy hoạch.

"Ngày 25-5-2023, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho phép rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch giao thông vận tải", ông Nguyễn Phi Thường cho hay.

Kéo dài hai bờ sông Hồng, bổ sung cầu vượt sông

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành thông tin, thực hiện nhiệm vụ kể trên, Sở đã tổ chức 6 cuộc họp chuyên đề, 2 hội nghị liên kết vùng, 1 hội thảo. Trong đó, qua hội nghị liên kết vùng, các đơn vị chức năng đã làm việc với 8 tỉnh xung quanh Hà Nội và 15 quận, huyện liên quan để bàn thảo, đưa ra những giải pháp kết nối về giao thông, giúp phát triển không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho cả Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bổ sung 22 tuyến đường để kết nối với 8 tỉnh xung quanh Hà Nội. Trong đó có 5 tuyến kết nối với tỉnh Hòa Bình, 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ, 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang, 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh, 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên và 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.

Mạng lưới đường ngoài đô thị cũng sẽ được bổ sung, điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình mới. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh các trục kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và điều chỉnh, bổ sung các trục nối với cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô; bảo đảm kết nối với đô thị trung tâm bằng 2 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường trục…

Song song với mạng lưới đường đối ngoại và đường ngoài đô thị, Hà Nội cũng cần điều chỉnh, bổ sung 5 tuyến đường trục chính đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, tối ưu kết nối giữa các vành đai lớn, sân bay và đường sắt đô thị.

“Trục sông Hồng là trục chính của Hà Nội, xu hướng thành phố sẽ nhìn về sông. Chính vì thế trong đồ án quy hoạch có một điểm quan trọng, được các tỉnh cũng như thành phố Hà Nội rất đồng tình. Đó là bổ sung ngay 4 cầu trên sông Hồng để tăng cường kết nối; kéo dài cả bờ phải và bờ trái sông Hồng nhằm tăng khả năng kết nối liên vùng. Phía Nam kéo đến Hưng Yên và Hà Nam, phía Bắc kéo đến Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đây là những nội dung hết sức quan trọng đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội chính thức đệ trình và được thành phố chấp thuận cập nhật, tích hợp vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cũng như các đồ án quy hoạch khác của thành phố trong thời gian tới”, ông Phan Trường Thành nêu.

Trong số 4 cầu vượt sông Hồng, cầu số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc - quốc lộ 5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối tả, hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.

Theo đề xuất những định hướng ban đầu, cảng hàng không quốc tế thứ hai cho Thủ đô nằm ở phía Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 40km, có chức năng hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ vận tải hành khách trong Vùng Thủ đô. Công suất của cảng là 30-50 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm; quy mô diện tích khoảng 1.500ha.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết nối giao thông - tạo động lực liên kết vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.