Kinh tế

Liên kết vùng, cùng phát triển

Thanh Hiền 10/02/2024 - 06:47

Hà Nội đang dần định hình trở thành một trung tâm gắn kết các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các địa phương trong cả nước cũng như với khu vực và thế giới.

Thực tế, việc liên kết trong nước đã được Thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư... với tinh thần "Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội".

lien-ket-vung.jpg
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2023 do Hà Nội tổ chức tháng 11-2023.

Chuyện của Lâm Hà...

Trong một buổi làm việc với đoàn công tác của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) về kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm của địa phương với Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định rằng, huyện Lâm Hà được ví như cầu nối để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng. Sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở xúc tiến quảng bá nông sản của huyện tại Hà Nội, mà còn thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện hơn, đặc biệt là hợp tác về văn hóa, du lịch. Thành phố Hà Nội sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện Lâm Hà tại Hà Nội; chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến; xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch.

“Hà Nội hiện có 2.167 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm-PV), để phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô thì cần liên kết, hợp tác với các tỉnh trong cả nước nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Huyện Lâm Hà có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững có thể hợp tác với Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận xét.

Tháng 10-2023, cụ thể hóa chủ trương của thành phố, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội", đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu đã đến thăm, làm việc với huyện Lâm Hà. Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ huyện Lâm Hà 17 công trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, hạ tầng. Các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đã nêu những phương thức hợp tác cụ thể, hỗ trợ huyện Lâm Hà phát triển toàn diện, như định hướng của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong "việc của Lâm Hà cũng là việc của Hà Nội".

...Đến tinh thần “vì cả nước”

Câu chuyện Lâm Hà là một trong những ví dụ sinh động về tinh thần "vì cả nước" của thành phố Hà Nội. Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, cụ thể hóa chương trình hợp tác của UBND thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2023, Trung tâm đã tổ chức hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, với chủ đề "Kết nối cùng phát triển - Link to grow”; chương trình giao thương giữa các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động này nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh của thành phố Hà Nội và các địa phương để cùng phát triển.

“Thông qua các chương trình này, chúng tôi muốn hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ” - ông Nguyễn Ánh Dương chia sẻ.

Hạ tầng thương mại của thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài (AEON, LOTTE, Mega Market; FUJIMART...) và các doanh nghiệp phân phối hàng đầu trong nước (Winmart, Co.op Mart...), với 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 164 chuỗi kinh doanh an toàn kết nối với 12 tỉnh, thành phố phía Bắc, trên 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 600 website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử... Hệ thống phân phối với quy mô và sức ảnh hưởng lớn này là điều kiện, lợi thế giúp Hà Nội trở thành trung tâm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố và xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài. Đổi lại, hàng hóa được đưa về góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Thủ đô.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã kết nối, ký kết các văn bản hợp tác toàn diện với 44 tỉnh, thành phố; liên tục đổi mới hoạt động liên kết, mở rộng đầu tư với các tỉnh, thành phố trong các vùng kinh tế trọng điểm cũng như mọi vùng, miền trên cả nước.

Trách nhiệm chính trị

Liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Đây không đơn thuần chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là trách nhiệm chính trị đặt ra. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045" và Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đều xác định rõ vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng của Hà Nội, đồng thời chỉ rõ yêu cầu, nhiệm vụ của Hà Nội là phải tăng cường liên kết vùng, liên vùng để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển cho vùng, cho các tỉnh, thành khác.

Cụ thể hóa yêu cầu đó, Hà Nội đã chủ động, tiên phong triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhằm khắc phục hạn chế về liên kết vùng. Tháng 6-2023, thành phố Hà Nội cùng với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khởi công dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Con đường chiến lược này là huyết mạch tạo ra không gian và động lực phát triển cho Hà Nội, cho Vùng Thủ đô và cả nước. Bên cạnh hệ thống hạ tầng, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để Hà Nội phát huy thế mạnh và dẫn dắt các địa phương cùng phát triển. Và Luật Thủ đô sửa đổi cũng là nhằm giải quyết yêu cầu này.

Về chủ trương hợp tác trong giai đoạn tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hà Nội tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở để giữ vai trò trung tâm, tạo động lực liên kết, phát triển vùng.

Về hoạt động kết nối, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố trên 7 nhóm nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần phối hợp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực có lợi thế của mỗi địa phương; tăng cường trao đổi thông tin thương mại, xuất nhập khẩu; liên kết, phát triển mạng lưới logistics.

“Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố nhằm cùng phát huy lợi thế, cùng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút khách du lịch đến với mỗi địa phương” - ông Mạc Quốc Anh nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên kết vùng, cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.