Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục khó khăn, giữ đà phục hồi

Hồng Sơn| 14/03/2023 06:21

(HNM) - Hai tháng đầu năm 2023, một số vấn đề bất lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã xuất hiện thêm. Do đó, cần nhận định diễn biến thực tế cũng như xác định tinh thần và tìm giải pháp khắc phục để duy trì tăng trưởng kinh tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương về nội dung này.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy Thiết bị gia dụng Sơn Hà (Cụm công nghiệp Phùng, huyện Đan Phượng). Ảnh: Viết Thành

- Bà có thể cho biết kết quả phát triển kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2023?

- Một số kết quả đáng chú ý là chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2-2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, dịch vụ 2 tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng cao. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%); cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 nhập siêu 0,3 tỷ USD). Khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 đạt 8,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước...

- Theo bà, vấn đề gì đáng lo ngại?

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… bị ảnh hưởng do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm nay giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%) do đơn hàng giảm. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm 4,2%; Hàn Quốc giảm 5,7%; Nhật Bản giảm 5,9%; khu vực Đông Nam Á giảm 7,9%; Hoa Kỳ giảm 21%.

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp phải chờ làm thủ tục giải thể. Trong 2 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 đơn vị, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 đơn vị, tăng 5,8%.

- Vậy những mặt thuận lợi là gì, thưa bà?

- Những thuận lợi đối với doanh nghiệp được thể hiện qua tác động của một số chính sách được thực thi trong thời gian qua. Đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đà cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được duy trì. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhờ đó doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu hóa năng suất lao động... Lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế.

- Theo bà, những lĩnh vực nào sẽ chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng trong năm nay?

- Tuy khó khăn nhưng kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm sáng, một số lĩnh vực được dự báo đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Đó là khu vực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu để nền kinh tế phát triển.

Hoạt động tài chính, ngân hàng được dự báo sẽ đạt kết quả tăng trưởng tốt nếu tiếp tục duy trì tỷ giá bình ổn; bảo đảm dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

- Vậy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới là gì?

- Theo tôi, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ về thủ tục hành chính trong việc xây dựng nhà xưởng; hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng và đào tạo lao động; thúc đẩy kết nối ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp… Cơ quan quản lý cần tăng cường trao đổi, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra giải pháp để ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.

Việc duy trì chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách gia hạn, giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi cũng rất quan trọng. Đối với lao động mất việc, cần có chính sách hỗ trợ để có nguồn thu nhập tối thiểu; giúp trang bị những kỹ năng mới và tìm kiếm việc làm ngắn hạn. Ngoài ra, cần tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng của ngành điện tử, công nghệ thông tin.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục khó khăn, giữ đà phục hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.