Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả không như kỳ vọng

Thùy Dương| 25/09/2018 06:18

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Salzburg, Áo vốn được trông chờ sẽ tạo ra bước đột phá về thỏa thuận Anh rời khỏi EU (Brexit), nhưng kết quả đã không như mong đợi.

Lãnh đạo các nước EU dự Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức tại Salzburg, Áo.


Hội nghị lần này là sự khởi đầu cho loạt 3 hội nghị thượng đỉnh sẽ được tiến hành trong 3 tháng tới nhằm hoàn tất các thủ tục "ly hôn" giữa Anh và EU. Diễn ra vào thời điểm quan trọng bởi đây là dịp để Thủ tướng Anh Theresa May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU liên quan đến vấn đề Brexit, thay vì phải trao đổi thông qua Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. Vì vậy, Thủ tướng T.May đã rất hy vọng điều này sẽ mang lại tiến triển cho cuộc đàm phán giữa Anh và EU.

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, một bầu không khí lạc quan được các quan chức xứ Sương mù kỳ vọng. Thủ tướng T.May cho rằng, Anh và EU đang tiến gần đến việc nhất trí một thỏa thuận Brexit, nền tảng cần thiết xây dựng mối quan hệ đối tác gần gũi. Các quan chức Anh cũng tin tưởng hội nghị tại Áo sẽ là thời điểm bước ngoặt với tiến trình rời khỏi “ngôi nhà chung”. Nhưng trái với viễn cảnh mà Anh đặt ra, các nhà lãnh đạo EU dường như lại “dội gáo nước lạnh” vào bầu không khí này với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng, thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”. Các nhà lãnh đạo EU đã đồng loạt gây sức ép, yêu cầu London phải điều chỉnh kế hoạch rời khỏi khối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, tuy không khí trao đổi giữa bà T.May và lãnh đạo 27 nước EU đã cải thiện hơn trước nhưng có một số vấn đề liên minh này không sẵn sàng thỏa hiệp như 4 nguyên tắc tự do căn bản của thị trường chung châu Âu hay vấn đề biên giới Ireland.

Hiện cả Anh và EU đều mong muốn duy trì đường biên giới mở giữa Ireland và Bắc Ireland. Nếu một đường biên giới cứng được dựng lên thì cuộc sống và hoạt động làm ăn của người dân ở hai phía sẽ bị gián đoạn và có nguy cơ phá hoại nền hòa bình ở Bắc Ireland. Anh và EU thống nhất là cần phải có điều khoản ràng buộc về pháp lý để bảo đảm rằng sẽ không có việc dựng lại các trạm kiểm soát hải quan hay các cửa khẩu biên giới. Nhưng London bác bỏ đề xuất của Brussels giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan của khối trong khi phần còn lại của nước Anh phải ra đi. Về phần mình, EU coi kế hoạch Brexit hiện nay của Chính phủ Anh - còn được gọi là kế hoạch Chequers - đe dọa phá bỏ những nguyên tắc căn bản về thị trường chung của khối.

Trước những bế tắc trong đàm phán, viễn cảnh Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận được đề cập nhiều lần trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu rằng nếu Anh “tay trắng” rời EU sẽ tác động tiêu cực đến cả hai phía. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để bi quan về màn tranh cãi nảy lửa mới nhất.

Sau những lời trách móc và buộc tội gay gắt hiếm thấy, Thủ tướng T.May vẫn gửi đi thông điệp rằng bà sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất mới nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo EU về vấn đề biên giới Ireland. Trong khi đó, các nhà đàm phán của EU cũng đang khẩn trương soạn thảo những đề xuất thay thế cho kế hoạch Chequers của Anh về tương lai quan hệ giữa hai bên.

Các nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng vẫn sẽ không có đột phá nào tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 18 và 19-10 tới. Tuy nhiên, dù một cuộc chia tay “êm đẹp và trơn tru” giữa Anh và EU như mong muốn ban đầu khó xảy ra nhưng mọi hy vọng lúc này đang được dồn vào cuộc gặp sẽ diễn ra giữa tháng 11-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả không như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.