Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iraq: Đoàn kết là tương lai

VÂN KHANH| 21/08/2014 06:27

(HNM) - Trẻ em và phụ nữ bị bắt cóc không tung tích trong khi tất cả đàn ông từ trẻ đến già đều phải chịu trói, tra tấn, hành hạ trước khi bị các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết tại một ngôi làng của người Yazidi thiểu số ở miền Bắc Iraq.

Sự tàn bạo của phiến quân IS đã gây chấn động thế giới.



Sự tàn độc đối với hàng trăm người chỉ vì họ khác biệt hệ phái tôn giáo đã khiến IS hiện nguyên hình là một nhóm phiến quân đáng ghê sợ nhất. Từ chỗ nhận được sự chào đón của một số người Sunni vốn bất mãn dưới sự cai trị của chính quyền Baghdad do Thủ tướng Shiite Nuri Al-Maliki đứng đầu, IS giờ đã trở thành nỗi kinh sợ của cả dân tộc Iraq. Cộng đồng quốc tế cũng nhìn thấy trong cách hành xử của nhóm phiến quân man rợ này không chỉ một thảm họa diệt chủng đáng báo động mà còn là nguy cơ nhãn tiền về sự hỗn loạn hơn nữa tại Trung Đông và mối họa khủng bố toàn cầu một khi IS thành công trong việc lũng đoạn Iraq.

Mối lo ngại này đã khiến quyết định can thiệp quân sự hạn chế vào Iraq của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận được sự đồng tình gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế. Không giống như những lời lên án nghiêm khắc khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông, các cuộc không kích nhằm chặn đà tấn công của IS và bảo vệ những thường dân Iraq không có khả năng tự vệ đã đáp ứng được lời đề nghị giúp đỡ của Baghdad và những chuẩn mực về nhân đạo. Với một bộ máy tham nhũng và tập trung quyền lực về người Shiite, quân đội Iraq không có khả năng chống đỡ trước những bước tiến "thần tốc" đáng kinh ngạc của IS. Bằng chứng là, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm phiến quân đã chiếm giữ được nhiều thành phố quan trọng mà không vấp phải sự phản kháng đáng kể nào. Chỉ cho tới khi có sự trợ giúp của hỏa lực không quân Mỹ, quân đội Iraq mới giành lại được quyền kiểm soát con đập nước lớn nhất ở Mosul vốn nắm giữ sự an toàn của cả thủ đô Baghdad và một vùng rộng lớn ở khu vực hạ lưu.

Hiệu quả từ những hỗ trợ của không lực Mỹ mà Tổng thống B.Obama khẳng định là sẽ kéo dài như một phần trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế đã rõ ràng. Động thái này cũng giúp giải tỏa được áp lực từ những lực lượng cứng rắn từng phản đối quyết định rút quân khỏi Iraq của người đứng đầu nước Mỹ trong bối cảnh chính phủ non nớt ở Baghdad chưa đủ sức đứng trên đôi chân mình. Tuy nhiên, cũng có một sự thật là sự can thiệp mà Mỹ buộc phải thực hiện nhằm thực thi trách nhiệm quốc tế tại quốc gia xa xôi mà khoảng 4.500 lính Mỹ đã mất đi mạng sống cùng 3.000 tỷ USD tan thành tro bụi chưa phải là yếu tố then chốt cho sự ổn định của Iraq. Một tương lai hòa bình thật sự cho đất nước từng trải qua chiến tranh liên miên này chắc chắn không thể có được nếu như nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tan vỡ của nó không được giải quyết triệt để. Các cuộc oanh kích của Mỹ có thể sẽ cản được IS ở những mục tiêu cụ thể và làm suy giảm sức mạnh của chúng, nhưng sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq lại hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu chính quyền Baghdad có thể chấm dứt được tình trạng phân hóa, mâu thuẫn nội bộ, thù địch tôn giáo, chia rẽ dân tộc đã trở thành một căn bệnh trầm kha dưới thời của Thủ tướng N.Al-Maliki hay không.

Niềm hy vọng đang được đặt trên vai Thủ tướng mới được chỉ định Haidar Al-Abadi. Cũng là một người Shiite nhưng có tư tưởng ôn hòa và là nhân vật ít chia bè kết phái hơn nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ông H.Al-Abadi nhận được sự chấp thuận của giới lãnh đạo tôn giáo Shiite quyền lực - lực lượng có vai trò chính trị quan trọng ở Iraq sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein - lẫn Mỹ và Iran, một đồng minh chủ chốt của chính quyền Baghdad cũ. Việc ông N.Al-Maliki chấp nhận rời bỏ chức vụ đã tạo thuận lợi cho tiến trình chuyển giao quyền lực êm thấm ở Baghdad. Thế nhưng, phần khó khăn còn lại là thành lập một chính phủ đoàn kết mà trong đó có sự hiện diện công bằng của các dân tộc, tôn giáo, phe phái ở Iraq trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Nhiệm vụ đó không bất khả thi nếu như ban lãnh đạo mới Iraq và các lực lượng chính trị nước này nhận thức được sự cần thiết phải gạt bỏ những toan tính riêng vì lợi ích chung của dân tộc nhằm chống lại hiểm họa IS. Bằng không, sẽ không có quốc gia nào trên thế giới tiếp tục hy sinh tính mạng binh lính hay tiền bạc của cải cho sự tự do của xứ Nghìn lẻ một đêm. Chỉ có người Iraq mới định đoạt được vận mệnh của chính họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Iraq: Đoàn kết là tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.