(HNM) - Đúng như dự đoán, sau khi bất ngờ chấp nhận kế hoạch cải cách
Các cuộc biểu tình phản đối chính sách khắc khổ bùng nổ tại Hy Lạp trong những ngày cuối tuần qua. |
Trong một nỗ lực nhằm khẳng định với các chủ nợ quốc tế rằng, nhà lãnh đạo Hy Lạp vẫn kiểm soát được tình hình, ông A.Tsipras đã cách chức 10 thành viên nội các - những người đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp cải cách theo yêu cầu của chủ nợ. Trong số này có Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis, người đứng đầu phe có đường lối cứng rắn trong đảng Syriza và từng yêu cầu Athens rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Thay thế vị trí của ông P.Lafazanis là Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis, một đồng minh gần gũi của Thủ tướng đương nhiệm. Trong danh sách các quan chức bị Thủ tướng A.Tsipras "đưa tiễn" còn có tên Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao (những người đã từ chức trước đó) và Người phát ngôn của Chính phủ Gavriel Sakellarides. Các vị trí chủ chốt như Bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng được giữ nguyên.
Để thông qua kế hoạch cải cách theo hướng khắc khổ để đổi lấy việc cứu trợ nền kinh tế tại Quốc hội, Thủ tướng A.Tsipras đã phải nhờ tới lá phiếu hậu thuẫn của các thành viên đảng đối lập có quan điểm ủng hộ Châu Âu. Còn trong đảng Syriza cầm quyền, có tới 38 nghị sĩ bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống. Điều này cho thấy những khó khăn mà ông A.Tsipras sẽ phải đối mặt khi cần sự ủng hộ của các thành viên trong đảng cho những tham vọng sắp tới.
Nói một cách khác, niềm tin mà Thủ tướng A.Tsipras có được đang bị lung lay dữ dội. Chắc chắn nhiều cử tri Hy Lạp chưa thể quên bài phát biểu ấn tượng khi đảng Syriza giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cách đây chưa đầy nửa năm. Không ít người tin rằng, khi trao lá phiếu cho Syriza, "Hy Lạp sẽ bỏ lại sự khắc khổ, sự lo sợ và 5 năm bị xúc phạm. Hy Lạp sẽ tiến về phía trước với niềm lạc quan, hy vọng và phẩm giá" như ông A.Tsipras từng cam kết. Tuy nhiên, thực tế không chỉ là những tuyên bố chưa được kiểm chứng đã quay ngược 180 độ. Người dân Hy Lạp tiếp tục phải chịu đựng chính sách "thắt lưng, buộc bụng" đầy đau đớn và đối mặt với nhiều rắc rối hơn từ những thiệt hại về tài chính sau khi hệ thống ngân hàng ngừng hoạt động trong suốt 3 tuần qua do cạn tiền.
Theo thống kê mới nhất, nền kinh tế èo uột của xứ sở các vị Thần đã thiệt hại khoảng 3 tỷ euro, chưa kể tổn thất của ngành du lịch. Trong đó, riêng hoạt động bán lẻ đã mất khoảng 600 triệu euro, mức thiệt hại lớn nhất trong cuộc khủng hoảng. Kim ngạch xuất khẩu cũng bị tổn thất 240 triệu euro. Khoảng 4.500 container nguyên vật liệu và hàng hóa đã bị ách lại tại bộ phận hải quan, một lượng lớn các hóa đơn không thể thanh toán và các giao dịch thương mại trị giá 6 tỷ euro đã bị đóng băng...
Hiện tại, nhiều cử tri cho rằng họ đã bị lừa dối, những cử tri khác đặt câu hỏi: Không hiểu vị thủ tướng của họ mở cuộc trưng cầu dân ý tốn kém hàng triệu euro vừa qua khi nền kinh tế Hy Lạp đã kiệt quệ và kêu gọi người dân nói "không" với chính sách khắc khổ nhằm mục đích gì? Nhất là khi đa số đã đồng tình phản đối cắt giảm chi tiêu thì Thủ tướng A.Tsipras lại bất ngờ lật ngược "chính sách" mà nhiều cử tri kỳ vọng.
Đến thời điểm này, Thủ tướng A.Tsipras mới chỉ đi một quãng đường rất nhỏ trong nhiệm kỳ 5 năm. Nếu không muốn "đứt gánh giữa đường", việc đầu tiên vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp phải làm là nhanh chóng lấy lại lòng tin của các thành viên ngay trong đảng Syriza cầm quyền và tạo cảm giác an toàn cho người dân Hy Lạp. Thế nhưng, đây là cả một nhiệm vụ đầy gai góc khi các cuộc biểu tình đã bắt đầu nổ ra nhằm phản đối cuộc cải cách được cho là mới của nhà cầm quyền đương nhiệm Hy Lạp nhằm đổi lấy số tiền đủ để Athens không phải rời bỏ EU. Bất ổn xã hội là hoàn toàn có thể tại đất nước hơn 11 triệu dân bên bờ Địa Trung Hải trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.