(HNM) - Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Trong đó, đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là điểm mới trong dự thảo, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động.
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là đòi hỏi tất yếu khách quan, đặc biệt ở nhóm ngành, nghề đặc thù. Ảnh: Thái Hiền |
- Ông có thể cho biết Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) căn cứ vào đâu để đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ kể từ ngày 1-1-2021, ngoại trừ nhóm lao động đặc thù?
- Vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu được bàn thảo suốt nhiều năm qua. Trong nội dung Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết 28) đã nêu rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".
Theo tinh thần Nghị quyết 28, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Trong những năm tiếp theo, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm mỗi năm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những đối tượng lao động đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 năm. Như vậy, phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu khá linh hoạt, phù hợp với các nhóm đối tượng.
So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp. Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động Việt Nam theo quy định là 57 tuổi, độ tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5 tuổi, trong khi Malaysia, Thái Lan... có tuổi nghỉ hưu bình quân là 60 tuổi. Khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế đối với 176 quốc gia cũng có thấy, đa số các nước có độ tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi trở lên, phổ biến nhất là từ 60 đến 62 tuổi. Do đó, Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu không nằm ngoài quy luật chung.
- Tại sao lại đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu, mà không phải là tăng một lần, thưa ông?
- Trên thế giới, các quốc gia tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu đều phải điều chỉnh từng bước, mỗi năm tăng thêm 3 tháng hoặc 6 tháng cho đến khi người lao động đủ tuổi về hưu, để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động. Ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400.000 người bước vào tuổi nghỉ hưu. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, thì mỗi năm nước ta sẽ có 400.000 người ở lại làm việc. Xu hướng tăng nhanh số người cao tuổi trên thị trường, trong khi lực lượng lao động còn dồi dào dễ đẩy thị trường lao động vào tình trạng tắc nghẽn, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ.
Đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong tương lai, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là giải pháp giúp Việt Nam chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu lao động do dân số bị già hóa. Với độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay, thì đến năm 2035, mỗi năm nước ta có khoảng 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động, nhưng có tới 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Với lực lượng lao động chỉ tăng thêm khoảng hơn 200.000 người/năm, thì từ năm 2040, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động...
Vì vậy, phương án điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021 vừa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28, vừa không gây “sốc” cho các bên liên quan.
- Trong hai phương án đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông phương án nào phù hợp hơn?
- Với phương án 1, sau 8 năm thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, nước ta mới có lao động nam nghỉ hưu ở tuổi đủ 62 và sau 15 năm mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi đủ 60. Theo phương án 2, sau 6 năm thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, nước ta mới có lao động nam nghỉ hưu ở tuổi đủ 62 và sau 10 năm mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi đủ 60. Như vậy, cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm.
Các phương án nêu trên mới chỉ là đề xuất. Hiện nay, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng như những nội dung mới trong dự thảo Bộ luật Lao động, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.