Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân

Mai Hoa| 29/06/2022 14:23

(HNMO) - Sáng 29-6, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau”.

Hội thảo tập trung thảo luận xung quanh 2 chủ đề lớn. Thứ nhất là hệ thống an sinh xã hội toàn diện hướng tới thực hiện nhiệm vụ không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ hai là nhận diện những vấn đề chính sách xã hội và phân tích mối liên quan, tác động đến việc phát triển kinh tế. 

Thông qua các tham luận như: “Hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện ở Việt Nam: Khuyến nghị chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Hướng tới trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em và hệ thống an sinh xã hội thích ứng cú sốc và thân thiện với trẻ em ở Việt Nam”; “Cung cấp an ninh thu nhập cho tuổi già ở Việt Nam: Khuyến nghị chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Đầu tư cho an sinh xã hội là động lực cho tăng trưởng kinh tế, số nhân tài khóa tại Việt Nam”; “Đánh giá thực trạng nghèo và bất bình đẳng của Việt Nam năm 2022, từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp”…, các đại biểu gửi gắm nhiều thông điệp, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ mở rộng đầu tư cho an sinh xã hội.

Một mặt ghi nhận những bước tiến đáng kể về thể chế kể từ năm 2012, mặt khác, các tham luận cũng chỉ ra một số vấn đề về chính sách xã hội, như sự thiếu đồng bộ trong triển khai chính sách; còn tình trạng người cao tuổi không được hưởng lương hưu từ bảo hiểm xã hội, không được hưởng chính sách hưu trí xã hội…

Có một số khuyến nghị rất đáng quan tâm, như: Nên mở rộng sự liên kết và phối hợp giữa các an sinh xã hội từ thiết kế chính sách đến khuôn khổ luật pháp; tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các cấp, làm cho bảo hiểm xã hội bắt buộc trở nên hấp dẫn hơn; cải cách an sinh xã hội phải đi đôi với tăng đáng kể đầu tư cho an sinh xã hội, coi việc đầu tư cho an sinh xã hội là một trong những động lực chính của phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch…

Hướng đến một hệ thống an sinh xã hội toàn diện ở Việt Nam, nhiều đại biểu khuyến nghị cần khắc phục tình trạng diện bao phủ thấp, mức hưởng thấp, chênh lệch giới trong thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay ở Việt Nam; đồng thời, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng cường truyền thông… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.