(HNMO) - Sáng 4-5, Thành ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội”.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, thành viên Ban Chỉ đạo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án Vũ Đức Bảo chủ trì hội thảo.
Là hoạt động trong khuôn khổ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội, hội thảo được tổ chức với mục đích xin ý kiến góp ý, trao đổi và bổ sung nội dung cho Chuyên đề số 3 nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã tại thành phố; trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại các quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. |
Sau phát biểu khai mạc hội thảo của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã phát biểu đề dẫn. Đồng chí nêu rõ, thời gian qua, cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố đã có nhiều thay đổi, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng phát triển, có vị trí xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội tầm quốc gia, khu vực và vươn tầm quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu và ưu điểm đã đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót và bộc lộ những hạn chế, bất hợp lý cần khắc phục. Chẳng hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền HĐND và UBND quận, phường vẫn còn tồn tại nhiều tầng nấc trung gian, chưa hợp lý với đặc điểm, tính chất các đơn vị hành chính nội bộ, chưa tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước.
HĐND quận, thị xã, phường về thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn mà chủ yếu do chính quyền thành phố quyết định. Cơ chế hoạt động tập thể UBND còn chưa hợp lý, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu…
Nguyên nhân của một số hạn chế, bất cập trên là do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất của đô thị về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; năng lực và trách nhiệm của đại biểu HĐND, của cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền quận, thị xã, phường còn nhiều hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ và nhiệm vụ khác nhau; pháp luật hiện hành về tổ chức, hoạt động của HĐND và UBND quận, phường chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của đơn vị hành chính nội bộ đô thị…
Thực tế đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu, trao đổi và thống nhất trong nhận thức về những vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị TP Hà Nội đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh tình hình mới.
Điều này cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu giải quyết về chiến lược, chính sách phát triển về phương thức quản lý đô thị cũng như về mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị thành phố phù hợp với đặc điểm, tính chất đô thị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy tổ chức chính quyền đô thị tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Từ tinh thần đổi mới này, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo với mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Thứ nhất, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND và UBND quận, huyện, thị xã; nêu những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân…Thứ hai, trao đổi, đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị của TP Hà Nội.
Tại hội thảo, đã có 14 ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo quận, huyện đã trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của một số nước trên thế giới; đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động, đặc biệt là những hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức chính quyền hiện tại; đồng thời khẳng định việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội là cần thiết, bảo đảm sự tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đóng góp những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn TP Hà Nội có những bước chuyển mình, đột phá, xây dựng thành công Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội. Quan điểm chung của các đại biểu là nhất trí thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố, trong khung của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội và có lộ trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, TP Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Đề án theo đúng nội dung Kết luận 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”.
Đánh giá cao 14 ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, phục vụ việc hoàn thiện nội dung Đề án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.