Một trong những dấu ấn nổi bật sau 15 năm thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Thành phố Hà Nội đã biến một việc khó khăn thành thuận lợi, trở thành hình mẫu cho cả nước về cách làm.
Bảo đảm nguyên tắc, khách quan, công tâm
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, thành phố Hà Nội phải sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ khi “nhân đôi bộ máy”. Không chỉ dư luận có tâm lý lo lắng, mà bản thân tập thể và cá nhân những cán bộ có trách nhiệm của Hà Nội và Hà Tây thời điểm đó cũng đứng trước hàng loạt câu hỏi hóc búa.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - người “thuyền trưởng” đứng mũi chịu sào nhớ lại: “Việc đầu tiên chúng tôi xác định là phải sắp xếp bộ máy và bố trí cán bộ. Thời điểm đó, đây là việc cần thiết, quan trọng và cũng là khó khăn nhất. Tôi nói như vậy vì cán bộ, công chức như “đầu não” của bộ máy, nếu nó hoạt động thì tất cả những cái khác mới vận hành trơn tru”. Từ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây đã sớm họp bàn và đi đến thống nhất về cách làm, lộ trình, cách thức sắp xếp cán bộ. Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, trên cơ sở thống nhất, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy lập danh sách cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy và Thành ủy quản lý; từ đó đưa ra phân tích, bàn bạc sắp xếp nhân sự.
Là người trực tiếp làm công tác tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy về công tác tổ chức cán bộ trong những ngày đầu Hà Nội hợp nhất, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đầu tiên của thành phố Hà Nội mở rộng, cho biết: “Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số các đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai xuống làm phó, ai làm trưởng”.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Nguyên tắc chỉ đạo của Thành ủy là đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy phải được sắp xếp theo hướng cố gắng để các đồng chí giữ được chức vụ cấp trưởng. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể cần có giải pháp linh hoạt, hợp lý, hợp tình. Đơn cử như hai Phó Bí thư Thành ủy là đồng chí Tưởng Phi Chiến và Nguyễn Công Soái kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; do đó hai đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Trưởng ban Tổ chức của Thành ủy Hà Nội là đồng chí Trần Trọng Dực và Nguyễn Văn Sửu chuyển xuống làm cấp phó; còn Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tây khi đó là đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố) được điều động làm Giám đốc Sở Nội vụ. Đồng chí Lại Hồng Khánh đang là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây tiếp tục làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (mới). Còn đồng chí Phạm Xuân Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (cũ) chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (mới). Cả hai Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (cũ) và tỉnh Hà Tây cùng chuyển sang làm cấp phó.
Đối với các Thành ủy viên, Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy một số nguyên tắc sắp xếp cụ thể. Sau khi các nguyên tắc được thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy lập danh sách, điền tên dự kiến ai làm trưởng, ai làm phó gắn với lý giải cụ thể. Sau khi có danh sách cụ thể theo từng vị trí, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy bỏ phiếu kín làm căn cứ thực hiện.
Cũng với cách làm bài bản từ kinh nghiệm sắp xếp cấp trưởng, Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sắp xếp cấp phó. 3 đợt sắp xếp, luân chuyển hơn 100 đồng chí đều diễn ra thành công.
Nhờ làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, hệ thống chính trị thành phố sau hợp nhất vận hành ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp thành phố Hà Nội sau hợp nhất đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh để không ngừng vượt qua khó khăn, ngày càng nâng cao vị thế Thủ đô - trái tim của cả nước.
Hành trình luôn tiến về phía trước
Từ kinh nghiệm quý báu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 trong thời điểm đầu tiên, suốt 15 năm qua, thành phố Hà Nội luôn làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, được trung ương ghi nhận, đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2016-2021, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19) gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, thành phố đã giảm 1 cơ quan hành chính cấp sở, 2 chi cục, 3 phòng chuyên môn cấp huyện, 65 phòng thuộc sở, 290 đơn vị sự nghiệp công lập, 5 đơn vị hành chính cấp xã, 2.378 người hoạt động không chuyên trách, 65 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, 18.403 biên chế công chức, viên chức, giải quyết tinh giản biên chế cho 1.370 đối tượng…
Thành phố Hà Nội còn đi đầu trong thực hiện sáp nhập 3 đơn vị trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị trung tâm y tế và trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị ban bồi thường giải phóng mặt bằng và trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện và giao UBND quận, huyện, thị xã quản lý.
Thành phố còn đi đầu trong việc đề xuất các mô hình mới như thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng; xây dựng cơ chế khuyến khích đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế để sớm cơ cấu lại đội ngũ…
Tiếp tục phát huy kết quả tích cực đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.
Thành ủy đã sớm ban hành, triển khai Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; đồng thời tập trung rà soát, ban hành đồng bộ 15 quy chế, quy định về công tác cán bộ, đổi mới các khâu công tác cán bộ theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn hơn. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương và không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định số 07-QĐ/TU, thực hiện rà soát, thông báo 199 trường hợp để xem xét, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ.
Nửa đầu nhiệm kỳ, đã quyết định phân công, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với 489 đồng chí. Ban Thường vụ Thành ủy còn ban hành Đề án thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng; đến nay đã triển khai thi tuyển 7 chức danh tại 3 đơn vị làm điểm khối cơ quan Đảng; trong khi khối chính quyền đã thi tuyển 76 chức danh tại 46 đơn vị.
Bên cạnh đó, thành phố đang tập trung sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Thành ủy, UBND thành phố đã thực hiện thí điểm thành công đối với Văn phòng UBND thành phố; tới đây sẽ thực hiện ở 10 sở chuyên môn có liên quan nhiều đến công việc của người dân và doanh nghiệp.
“Đây là bước tiếp theo sau phân cấp, ủy quyền nhằm giải quyết vấn đề cải cách hành chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp mà dư luận còn phê bình bằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung cao độ, quyết tâm, quyết liệt”, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu rõ, đồng thời yêu cầu phải làm từng bước chặt chẽ; tinh thần là nội bộ phải đi trước, phải “thông” trước rồi mới triển khai thực hiện.
Có thể nói, xuất phát từ yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ sau hợp nhất rất khó khăn, nhiều thách thức, tới nay, bằng tinh thần trách nhiệm và hiệu quả đổi mới, thành phố Hà Nội đã đưa việc thực hiện nhiệm vụ này trở thành một hành trình luôn tiến về phía trước, hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.