(HNMO) - Sáng 25-3, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 1.080 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939-2019) với chủ đề “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước”.
Hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước” diễn ra sáng 25-3. |
Hội thảo nhận được 16 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý di sản, đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Các tham luận đã đề cập các vấn đề: Thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền thông qua các nguồn sử liệu, thư tịch cổ; chiến thắng Bạch Đằng năm 983 ý nghĩa to lớn, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam; sự nghiệp dựng nước, xưng vương định đô ở Cổ Loa vào mùa xuân năm 938 của Ngô Quyền…
Ngô Quyền sinh ra ở châu Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Ngô Quyền là người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ chọn ông làm nha tướng, yêu mến và gả con gái cho, sau đó giao cho ông cai quản châu Ái (Thanh Hóa ngày nay).
Trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, bước sang thế kỷ X, lịch sử Việt Nam có một bước ngoặt lớn: Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ, tự xưng là Tiết độ sứ, nghĩa là trên danh vẫn tự coi mình như một đại diện của chính quyền nhà Đường, nhưng thực chất Khúc Thừa Dụ tập trung xây dựng chính quyền tự chủ. Năm 939, lợi dụng tình hình rối ren do việc Kiều Công Tiễn sang cầu cứu khi bị Ngô Quyền tấn công, nhà Nam Hán huy động quân đội gồm hàng chục vạn quân thực hiện ý đồ xâm lược nước ta. Đoán trước được ý đồ "nội công, ngoại kích" của giặc, Ngô Quyền đã tập hợp các tướng lĩnh, hào kiệt, kéo quân từ Ái Châu ra nhanh chóng diệt trừ tên phản quốc Kiều Công Tiễn và bè đảng, dập tắt mối họa bên trong, làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của vương triều Nam Hán.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo. |
Trước thế giặc mạnh, Ngô Quyền một mặt kêu gọi, động viên nhân dân phát huy sức mạnh cố kết cộng đồng và khí thế độc lập của dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mũi tiến công của quân xâm lược. Mặt khác, ông chủ trương lợi dụng địa hình hiểm trở của núi rừng, sông nước vùng Đông Bắc bày một thế trận hiểm hóc và tập trung lực lượng mạnh để tiến hành trận chiến lớn, đánh bại quân Nam Hán ngay tại cửa sông Bạch Đằng vào mùa Đông năm 938.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ "đồng hóa" của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý, nhất là nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước. Đồng thời, Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở có ý nghĩa quyết định để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Trải qua 1.080 năm, để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên trong lịch sử nước ta, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự chủ, tự cường và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống kiên cường của các thế hệ cha ông, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai kế hoạch nghiên cứu và phát huy giá trị các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền tại Cổ Loa.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam tham dự Hội thảo “Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước” tiếp tục nghiên cứu, ủng hộ việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền trên mảnh đất Thăng Long lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.