Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai quật khảo cổ phục vụ xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa

Nguyễn Thanh| 02/06/2023 16:39

(HNMO) - Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội ngày 2-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản chính thức (Quyết định số 1413/QĐ-BVHTTDL) cho phép Trung tâm phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành khai quật bổ sung khu vực dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa sẽ được tiến hành khảo cổ, phục vụ việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền.

Với quyết định này, việc khai quật sẽ được tiến hành từ ngày 10-6 đến 20-8-2023 trên tổng diện tích 100m2. Trong thời gian khai quật, các đơn vị cần chú ý bảo vệ địa tầng di tích, tuyên truyền với nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, đồng thời không công bố kết luận chính thức về kết quả khai quật, khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản cũng như Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giữ gìn, bảo quản những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt khai quật, trong thời gian 1 tháng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học cần có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật và trong vòng 1 năm, phải có báo cáo khoa học về vấn đề này gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cũng theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đợt khai quật phục vụ cho việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền trong tương lai, nhằm tôn vinh vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng huyền thoại (năm 938), góp phần chấm dứt hơn ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho đất nước. Từ chiến thắng này, ông lên ngôi, lập kinh đô ở Cổ Loa, với triều đình, nhân sự và chế độ triều chính riêng biệt. Tuy nhiên, đến giờ, tại khu vực Cổ Loa vẫn chưa có một không gian thờ tự chính thức nào dành cho Ngô Quyền - vị vua được người đời coi là Tổ trung hưng của dân tộc Việt.   

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai quật khảo cổ phục vụ xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.