Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học là bầu bạn với xung quanh

Dương Xuân| 23/12/2022 06:23

(HNMCT) - Bộ sách 5 cuốn “Thơ hay cho bé học nói” của Lữ Mai và Đoàn Văn Mật do NXB Văn học và Linh Lan books ấn hành, có điểm mới mẻ, tiện dụng là quét mã QR code để nghe đọc thơ. Mỗi trang thơ có những hình ảnh đẹp, vui, ngộ nghĩnh, được trình bày sáng sủa với những mảng màu nhẹ nhõm, dịu mắt. Kèm theo thơ còn có những câu đố vui để thử trí nhớ, khiếu quan sát, tài phán đoán của các bé.

Song, tất cả những nét mới, vui, ngộ ấy sẽ mờ nhạt đi nếu phần nội dung chính được tôn lên, là thơ, không cuốn hút, không gieo hứng thú. Rất vui là ở ngưỡng tuổi đã trưởng thành từ lâu, đang cho thấy sự già dặn trong việc “làm thơ cho người lớn”, thì thơ cho trẻ của hai tác giả Lữ Mai và Đoàn Văn Mật vẫn long lanh những tia sáng trong trẻo, ngộ nghĩnh, vui nhộn.

5 tập sách nhỏ dễ thương, có thể tạm xếp theo thứ tự từ trong ra ngoài, từ gần ra xa, từ nhỏ đến lớn: “Gia đình yêu thương”, “Khung trời quê hương”, “Bé vui đến trường”, “Thế giới tí hon”, “Lời âm thanh kể”. Cũng có thể đảo lại vị trí các chủ đề, bởi những bài thơ nhỏ xinh trong mỗi tập sách thường mượn lấy một việc làm, ý nghĩ, nhận biết, một niềm vui hay quãng thời gian nào đó của mỗi em bé trong ngày, lúc quét sân, khi gọi điện cho bố đang đi vắng, lúc được mẹ dắt đến trường hay bé đang chơi với các bạn cùng lớp...

Những khoảnh khắc ngày thường đó, bước vào thơ, trở nên khác lạ, lung linh hơn nhờ cách kể, cách ví von, ẩn dụ, liên tưởng của cô chú nhà thơ. Như bài “Bé vẽ bà”, hình dung của bé gần gũi, rất thật và lại rất ngộ: “Bà bỏm bẻm/ Ngồi nhai trầu/ Môi bà đỏ/ Như tô màu...”. Hay là liên tưởng thú vị trong bài thơ “Hoa gạo”: “Màu hoa đỏ/ Rực góc trời/ Như đĩa xôi/ Bà nhuộm gấc...”. Còn trong bài thơ “Tiếng guốc, tiếng dép” thì bé lại nghe thấy: “Bà đi guốc mộc/ Lộc cộc lộc cà/ Mẹ đi chợ xa/ Dép kêu lẹp kẹp/ Còn dép của bé/ Lại đi êm ru.../ Như lá mùa thu/ Rơi trên sân gạch”.

Nhiều đồ vật, hiện tượng quanh mình có những khi thành bầu bạn với bé. Điều này cũng được diễn tả trong những câu thơ vui. Như khi bé còn dặn dò theo cách lo toan của bà, của mẹ vẫn dặn dò bé: “Sẻ ơi, sẻ ơi!/ Về ăn thóc nhé/ Hạt này phần mẹ/ Hạt này phần con” (“Gọi sẻ”). Hay lúc khác tập vẽ, bé vẽ thấy ông mặt trời “tròn như mâm cỗ”, còn vẽ “lá hoa tươi thắm” thì phải có ngay ong, bướm “đến bên chơi cùng”. Rất ngộ là lúc đi học về, mắt bé lúng liếng, chân bé nhảy lò cò, thì cũng là lúc: “Mùa xuân vừa đến/ Cũng lò cò theo/ Bông hoa vừa nở/ Nụ cười trong veo” (“Đi học về”).

Những ánh nhìn trong veo trìu mến đó giúp cho bé lớn lên trong yêu thương. Xa hơn thế, nó có thể khiến cho người lớn bước đi bền hơn trong cuộc đời. Và, “Theo chân bé” như tên một bài thơ, cũng chính là theo chân người đọc, những lắng nghe phóng khoáng như thế này: “Nu na nu nống/ Đánh trống lòng thung/ Mưa qua cánh rừng/ Xạc xào cây lá/ Gió chạy theo bé/ Tóc mơ màng bay/ Có lúc gió gầy/ Có khi gió béo/ Gió béo là bão/ Ù ù thét gào/ Gió gầy lay nhẹ/ Lá hoa bờ rào”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học là bầu bạn với xung quanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.