Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất bản sách cho thiếu nhi: Hay, đẹp và hấp dẫn

An Nhi| 22/05/2022 06:15

(HNM) - Thị trường sách cho thiếu nhi đang khá sôi động với những dòng sách hay, đẹp và có sức hấp dẫn. Hầu hết các đơn vị xuất bản đều không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để tạo sức hút đối với các em nhỏ. Theo các đơn vị xuất bản, thách thức khi làm sách cho độc giả nhỏ tuổi là phải kích thích được các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê của trẻ em với sách.

Các em nhỏ đọc sách thiếu nhi tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Việt Nga

Muôn hình, muôn vẻ

Trong buổi giao lưu tác giả, tác phẩm thiếu nhi do Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức gần đây tại Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm), nhiều em nhỏ lứa tuổi mầm non đã có những trải nghiệm tuyệt vời với bộ sách tranh song ngữ Việt - Anh 6 cuốn “Kể chuyện khoa học” do tác giả Hoàng Anh Đức thực hiện, với phần tranh của Lộc Linh, Hồng An. Đây là bộ truyện tranh khoa học cho thiếu nhi đầu tiên do người Việt Nam viết và vẽ tranh minh họa. Lời kể dễ thương, câu chuyện hấp dẫn với kiến thức khoa học thú vị cùng hình minh họa hiện đại, màu sắc bắt mắt là điểm mạnh của bộ sách. Tuy nhiên, có cuốn các em không thích, vì “sách có màu đen ở bìa!”. Chắc hẳn, khi nghe nhận xét này, nhiều đơn vị xuất bản sẽ có thêm kinh nghiệm khi làm sách cho thiếu nhi.

Thị trường sách thiếu nhi gần đây còn xuất hiện nhiều cuốn sách, bộ sách gây ấn tượng với muôn hình, muôn vẻ. Ngoài bộ sách tranh khoa học kể trên, Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam còn có bộ 7 tập “Covid trong mắt trẻ thơ” vừa lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3-2022 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Bộ sách do chính các em nhỏ dưới 12 tuổi thực hiện phần vẽ minh họa và dịch sang tiếng Anh từ lời văn của cô giáo Vũ Thị Thanh Tâm - người sáng lập dự án văn hóa đọc “Ô cửa sách”, về những câu chuyện trong thời gian dịch bệnh...

Cũng đề cập đến câu chuyện thời dịch bệnh, Nhà Xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt cuốn “Cơ Bản là Cơ Bản” của tác giả Phạm Huy Thông về việc học trực tuyến của trẻ. Sách hấp dẫn không chỉ bởi nói được nỗi lòng của trẻ em khi không được đến trường học, mà còn mở ra không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc thông qua ngôn ngữ hài hước, dí dỏm. Để tiếp tục thu hút độc giả nhỏ tuổi với những danh tác văn học nước nhà, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã kỳ công tạo nên diện mạo mới cho tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục" (Nguyễn Dữ) và “Nam Hải dị nhân liệt truyện” (Phan Kế Bính) với 400 tranh minh họa in trên khổ lớn, được họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long vẽ tay hoàn toàn. Trước đó, cuốn sách tranh song ngữ “Chiếc dép thất lạc” của hai tác giả nước ngoài viết về trẻ em Việt Nam và dành cho trẻ em Việt Nam của nhà xuất bản này cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Ở mảng sách tương tác đa phương tiện, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị (Đinh Tị Books) tiếp tục đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho trẻ thông qua các cuốn sách lật mở, sách có mùi hương, sách chiếu bóng, sách chuyển động đa ngữ… Mới đây, đơn vị ra mắt bộ sách bóc dán thông minh với chủ đề “Mùa hè”, “Từ điển bằng hình cho bé”… Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thu hút thiếu nhi với bộ sách tranh “Hít hà mùi đất nước”, “Sinh vật học kỳ thú”… vừa giàu kiến thức khoa học, vừa nhiều trải nghiệm.

Em Nguyễn Đức Phong, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Em thích những cuốn sách về thiên nhiên, môi trường, có nhiều tranh minh họa hoặc đem đến trải nghiệm đọc mới”.

Buổi giao lưu tác giả, tác phẩm và ra mắt bộ sách tranh “Kể chuyện khoa học” (Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam) của tác giả Hoàng Anh Đức tại Phố sách Hà Nội.

Tạo sự hứng thú với sách

Dù dành cho đối tượng nào thì phần lời vẫn là “linh hồn” của mỗi cuốn sách. Nhà văn Lê Phương Liên, người gắn bó nhiều năm với văn học thiếu nhi cho hay, viết sách cho trẻ em không khó về mặt nghệ thuật, nhưng thách thức là làm sao hóa thân vào nhân vật mang tâm hồn của bạn đọc nhỏ tuổi để tạo được sự rung cảm, đồng điệu. Khi viết cho đối tượng này, mỗi tác giả cần tìm hiểu rõ xem các em muốn đọc đề tài nào, giọng văn nào là phù hợp.

Còn tác giả bộ sách “Hít hà mùi đất nước” Nguyễn Hữu Quỳnh Hương cho rằng, thay vì áp đặt những bài học, cảnh báo qua nội dung sách, các tác giả nên chọn cách viết nhẹ nhàng, gần gũi, hóm hỉnh, hợp thời đại để trẻ thấy yêu cuộc sống, yêu gia đình, bạn bè, từ đó sẽ có những hành động đúng đắn một cách tự nhiên…

Bên cạnh phần lời, hình thức của cuốn sách cũng góp phần tạo nên thành công. Theo họa sĩ Kim Duẩn - tác giả minh họa và vẽ bìa của nhiều sách thiếu nhi nổi bật trong giới xuất bản hiện nay - diện mạo cuốn sách là điều đầu tiên gây ấn tượng và thu hút độc giả. Với sách thiếu nhi, bìa sách và minh họa cần sinh động, dễ thương với màu sắc tươi sáng để các em hứng thú và muốn sở hữu.

Là đơn vị hàng đầu trong mảng sách thiếu nhi, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, trong thời đại thông tin như hiện nay, các đơn vị xuất bản phải luôn nỗ lực tiếp cận độc giả bằng nhiều cách. Bên cạnh tìm kiếm, đặt hàng những tác giả viết hay, nhiều ý tưởng mới, các đơn vị còn phải hướng tới tiêu chí làm sách đẹp, như dòng artbook (sách tranh), pop-up (sách 3D, dựng hình), sách đa phương tiện (sách chuyển động, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc)… để hấp dẫn độc giả. Ngoài sách văn học, độc giả nhỏ tuổi đang có xu hướng tìm đến sách có nội dung về tâm lý, kỹ năng, khoa học, môi trường... Đây là “mảnh đất” màu mỡ để các tác giả, đơn vị xuất bản quan tâm đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản sách cho thiếu nhi: Hay, đẹp và hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.