(HNM) - Diễn ra trong hai ngày (10 và 11-4) tại TP Lucca, tỉnh Lucca, miền Trung Italia, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Sự kiện Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa là một trong những vấn đề thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 |
Đặc biệt, bên cạnh một số chủ đề có thể gây “xung đột” với Tổng thống Mỹ Donald Trump như đấu tranh chống lại mọi hình thức bảo hộ, chống biến đổi khí hậu, chương trình nghị sự của G7 còn xoay quanh vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib (Syria) ngày 4-4 và sự kiện Mỹ tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ không quân Syria sau đó.
Hội nghị Ngoại trưởng lần này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức ở Sicily, Italia, trong ngày 26 và 27-5. Đây là cuộc họp đầu tiên của các Ngoại trưởng G7 kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua. Hội nghị diễn ra sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 80 người thiệt mạng ở thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib (Syria) dẫn đến việc Tổng thống D.Trump ra lệnh tấn công nhằm vào lực lượng của Chính phủ Syria. Quyết định đơn phương của Washington đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên căng thẳng hơn.
Dẫu vậy, động thái của Mỹ lại nhận được sự ủng hộ của các nước trong G7. Ngoại trưởng Anh Johnson đã quyết định hủy chuyến thăm Nga và hội đàm với Ngoại trưởng Sergey Lavrov dự kiến diễn ra trước cuộc họp G7 vào phút chót với lý do vụ tấn công hóa học ở Syria đã thay đổi căn bản tình hình. Ngoại trưởng Italia Angelino Alfano, người chủ trì Hội nghị G7 thì cho rằng, sự ủng hộ rộng rãi của Châu Âu đối với hành động quân sự của Mỹ đã góp phần tạo ra “sự hòa hợp mới” giữa Mỹ với các đối tác.
Ủng hộ lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ trong vụ tấn công ở quốc gia Trung Đông nhưng các nước trong G7 lại quan ngại những động thái của ông chủ Nhà Trắng có thể làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương 70 năm qua. Những lời chỉ trích của ông D.Trump về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, việc ông bác bỏ các chính sách về biến đổi khí hậu và chống lại những người di cư đã làm những đồng minh G7 lo lắng. Điều này được thể hiện rõ qua việc cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng G7 đã không đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung đối với vấn đề biến đổi khí hậu do sự dè dặt của Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp ở Rome ngày 10-4, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italia Carlo Calenda cho biết, Mỹ “đã bảo lưu lập trường của họ” đối với văn bản về các cam kết được các nước G7 đưa ra theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Nhằm chống lại "làn gió ngược" này, Italia muốn G7 khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận khí hậu quan trọng đó.
Bên cạnh đó, sau khi quan điểm về bảo hộ thương mại của chính quyền ông D.Trump gây ra mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo tài chính tại cuộc họp G20 ở Đức hồi tháng trước, Rome cũng kêu gọi các quốc gia thuộc nhóm G7 chống lại xu hướng trên tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới ở Sicily. Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni đang có kế hoạch thăm Washington vào ngày 20-4 và gặp Tổng thống D.Trump, trao đổi về công tác chuẩn bị cho hội nghị này. Hai bên có thể sẽ thảo luận về lập trường của chính quyền D.Trump đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nếu Washington vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ gây ra những tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa nhà lãnh đạo Mỹ và các nhà lãnh đạo G7 khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.