Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hóa giải nỗi lo

Thiện Mỹ| 12/01/2022 06:09

(HNM) - Thành phố Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, số nhỏ lẻ, thủ công chiếm phần lớn với 673 cơ sở. Chưa kể, khoảng 40% khối lượng thịt gia súc, gia cầm được đưa từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về tiêu thụ tại Hà Nội, đã khiến mối lo về an toàn thực phẩm chưa bao giờ hết “nóng”, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán cận kề...

Mặc dù hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm của thành phố được quy hoạch đã lâu, nhưng tiến độ triển khai khá ì ạch và đây chính là điều kiện thuận lợi để các cơ sở giết mổ tự phát, nhỏ lẻ, thủ công còn hoạt động. Thực trạng trên bắt nguồn từ việc thu hút, triển khai dự án giết mổ theo quy hoạch còn nhiều vướng mắc; thói quen tự giết mổ gia súc, gia cầm của người dân ở nhiều vùng, miền cũng khiến việc kiểm soát giết mổ gặp khó khăn. Trong khi đó, việc kiểm soát hoạt động giết mổ của cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao...

Hệ quả là nguồn thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường khó bảo đảm an toàn; cơ sở giết mổ tự phát xả thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường và cũng từ đây, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát bất cứ thời điểm nào... Những tồn tại này kéo dài đã lâu và càng dịp lễ, Tết, nỗi lo về an toàn thực phẩm càng lớn. Vậy đâu là giải pháp?

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở giết mổ vẫn là việc cần làm ngay, làm thường xuyên và triển khai nghiêm túc từ cơ sở bởi đây là cấp nắm rõ nhất các gia đình hành nghề. Mỗi nghề đều có đặc thù riêng, vì vậy, cán bộ quản lý không nên vin vào lý do hoạt động ban đêm để kêu khó trong kiểm soát... Ngược lại, Nhà nước cũng cần tiếp tục có cơ chế phù hợp để đầu tư về nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, các cấp cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ quản lý, người làm nghề giết mổ và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Công khai quy hoạch của thành phố về các điểm giết mổ, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Giới thiệu và quảng bá các cơ sở thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này để hướng người tiêu dùng đến việc chọn lựa sản phẩm của những cơ sở giết mổ uy tín.

Trong khi việc kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn thì Chi cục Thú y và chăn nuôi thành phố cũng như các trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Có giải pháp để các chốt kiểm dịch phát huy tác dụng, ngăn chặn được sản phẩm động vật không an toàn đưa ra thị trường...

Về lâu dài, cần sớm hoàn thiện mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Các địa phương cần tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án; xây dựng cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng đất và miễn, giảm tiền thuê đất thực hiện dự án; có cơ chế cho các dự án được vay vốn ưu đãi; được hỗ trợ chi phí vận hành công trình xử lý chất thải...

Trên bình diện chung nhất, chỉ khi việc quản lý hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm được đặt trong chỉnh thể thống nhất: Chăn nuôi - thu gom - giết mổ, chế biến - tiêu dùng thì nguồn cung thực phẩm mới “sạch” trong mọi thời điểm. Khi đó, nỗi lo mất an toàn thực phẩm mới dần được hóa giải...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.