(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu là một "Thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ". Vì thế, các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã ra đời nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) trẻ phát triển vững mạnh để bước ra cạnh tranh với thị trường thế giới.
Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP Hồ Chí Minh (HSIF) vừa được chính thức ra mắt, với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng. HSIF được khởi xướng và sáng lập bởi Hội Liên hiệp Thanh niện Việt Nam TP Hồ Chí Minh, với mong muốn giúp các DN khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, phát triển được dự án khởi nghiệp sáng tạo của mình. Quỹ HSIF ưu tiên đầu tư vào các DN khởi nghiệp và không giới hạn các lĩnh vực ngành nghề sẽ tham gia đầu tư, thời gian đầu tư cho một dự án trung bình từ 3 đến 5 năm. Hiện Quỹ HSIF có số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng nhưng đã có một số DN đồng ý góp vốn thêm để tăng nhanh số vốn. Theo dự kiến, đến năm 2017 Quỹ đầu tư HSIF sẽ có số vốn ít nhất là 50 tỷ đồng; năm 2020 là 100 tỷ đồng; bắt đầu từ năm 2018 sẽ tăng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.
Như vậy, hiện Hội LHTN Việt Nam TP Hồ Chí Minh đang có hai nguồn quỹ hỗ trợ tài chính cho người khởi nghiệp, gồm Quỹ HSIF vừa ra mắt và Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh có quy mô vốn 100 tỷ đồng (giai đoạn 2016-2020) được hình thành từ nguồn vốn ủy thác của thành phố, hoạt động chủ yếu theo mô hình vay tín chấp, ưu đãi lãi suất cho các mô hình khởi nghiệp.
Với vai trò của người khởi nghiệp, chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty Anbooks, một công ty cũng vừa đi vào hoạt động tháng 10-2015 cho biết, cho dù bản thân người khởi nghiệp có sẵn đam mê, đã tìm hiểu thị trường, tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để xây dựng một DN phát triển bền vững. Vì vậy, các công ty khởi nghiệp rất cần một "cố vấn" về các giải pháp để triển khai ý tưởng thành công.
Trong khi nhiều người tập trung vào vấn đề nguồn vốn trong khởi nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia chia sẻ, vốn chỉ là một phần, điều cần nhất trong khởi nghiệp là triển khai ý tưởng đó trở thành một mô hình kinh doanh thành công. Để làm được điều này, người khởi nghiệp phải xây dựng được kế hoạch phát triển ý tưởng khởi nghiệp thành mô hình kinh doanh mang lại lợi ích tài chính. Muốn thương mại hóa ý tưởng, người khởi nghiệp cần kiến thức tổng hợp về nghiên cứu thị trường, thiết lập mô hình tài chính, xây dựng chuỗi cung ứng và kênh phân phối, phát triển thị trường… để tạo thành một kế hoạch kinh doanh toàn diện. Tại Việt Nam, có thể nói đây là những kiến thức và kỹ năng đang thiếu trầm trọng và cần được hỗ trợ.
Theo chuyên gia Nguyễn Phi Vân, DN khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu 3 yếu tố căn bản. Đó là kiến thức của người khởi nghiệp, bao gồm từ kiến thức thị trường đến kỹ năng quản trị DN. Cái thiếu thứ hai là sự phát triển của chuỗi cung ứng chưa đồng bộ để hỗ trợ về kỹ thuật, nguyên vật liệu, dịch vụ cho ngành; thứ ba là thiếu sự hỗ trợ đào tạo, huấn luyện về tri thức và kỹ năng của Nhà nước dành cho DN khởi nghiệp.
Từng làm việc ở nhiều quốc gia, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ, điều khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước đang triển khai các chương trình khởi nghiệp thành công như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan nằm ở vấn đề định vị và chiến lược. Các nước đưa ra chiến lược và mục tiêu rất rõ ràng và việc triển khai chương trình hỗ trợ tập trung vào mục tiêu cụ thể đó. Theo bà Nguyễn Phi Vân, hiện Việt Nam có các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai phải từ chiến lược và định hướng cụ thể từ Nhà nước, nếu không chỉ mang tính phong trào, không thể hỗ trợ hiệu quả cho DN khởi nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.