Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới: Tương lai khó đoán định

Thùy Dương| 23/09/2020 06:40

(HNM) - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea vừa trao đổi với đại diện của Nga về đề xuất của Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm ít hơn 5 năm nữa để tạo điều kiện tìm kiếm một văn kiện đa phương mới.

Trả lời ý tưởng này, Nga cho biết không sẵn sàng để kéo dài hiệp ước theo những điều kiện mà Mỹ đưa ra. Động thái trên khiến tương lai của New START rất khó đoán định khi văn kiện sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.

Hiệp ước New START đang là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.

Theo ông M.Billingslea, Washington sẵn sàng hoàn tất một bản ghi nhớ ở cấp Tổng thống với Mátxcơva về việc gia hạn New START, song cũng chuẩn bị cho phép hiệp ước hết hiệu lực nếu hai bên không thể hoàn thành nhiệm vụ này. Nếu Nga không chấp nhận đề xuất của Mỹ thì sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, Washington sẽ bổ sung một loạt điều kiện mới khác.

Phía Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước New START với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm. Cụ thể, Mỹ muốn bảo đảm một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin về việc các bên tham gia sẽ tuân thủ những cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.

Mỹ cũng đề nghị phía Nga từ bỏ các vũ khí đầy triển vọng như tàu ngầm Poseidon, các loại tên lửa Dagger và Petrel vì cho rằng những loại vũ khí này không phù hợp với các định nghĩa của New START. Xứ Cờ hoa cũng nhận định việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí trên gây ra mối đe dọa với Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán cùng Mỹ và Nga về một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược tiếp theo. Tuy nhiên, Trung Quốc - quốc gia được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân, cương quyết từ chối đề nghị này.

Vì vậy, đến nay những điều kiện do Mỹ đề xuất đều chưa nhận được sự ủng hộ. Trung Quốc không muốn tham gia các thỏa thuận hiện có hay văn bản mới trong tương lai trong khi Nga khẳng định không từ bỏ các vũ khí tiềm năng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, đối với những điều kiện mà Mỹ đưa ra, phía Nga chưa thể chấp thuận việc gia hạn hiệp ước. Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Duma về các vấn đề quốc tế Dmitry Novikov cho rằng, triển vọng về một thỏa thuận liên quan đến hạn chế vũ khí tiếp theo là khá bi quan.

Vốn được thương lượng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, New START hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Có hiệu lực từ năm 2011, hiệp ước sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021, song thỏa thuận này bao gồm khả năng gia hạn thêm 5 năm sau thời điểm đó. Sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Tổng thống D.Trump rút Mỹ ra khỏi văn bản này, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Mátxcơva.

Hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Nga và Mỹ đã tiến hành vòng tham vấn song phương thứ hai trong năm nay về vấn đề này song chưa đạt được bước tiến đột phá. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nêu rõ, Mátxcơva không muốn khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang nên xứ Bạch dương sẵn sàng gia hạn New START sớm nhất có thể mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.

New START có thể được coi là nhân tố giúp quản lý căng thẳng Mỹ - Nga trong kiểm soát vũ khí hạt nhân và kiến tạo hy vọng cho mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu New START bị “khai tử”, đây sẽ là lần đầu tiên hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không có một văn bản nào ngăn cản phát triển các loại vũ khí hạt nhân kể từ năm 1972. Điều này cảnh báo sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới như thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đẩy thế giới vào tương lai nhiều bất trắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới: Tương lai khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.