1. Hôm nay (25-6), Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chính thức được khởi công. Như vậy, với những quyết sách chưa có tiền lệ, quyết tâm mạnh mẽ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã bước đầu hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quốc gia được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022, có quy mô 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường đi qua địa phận thành phố Hà Nội dài 58,2km; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3km; qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km. Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng... Vì vậy, cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, Quốc hội đã giao Chính phủ quyết liệt tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Các địa phương có dự án đi qua cũng có những quyết sách chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy tiến độ dự án. Điển hình tại Hà Nội, chưa có dự án nào Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lại ban hành riêng một chỉ thị (Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022) về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền nhằm đạt mục tiêu đặt ra…
Với khối lượng công việc lớn và có nhiều đặc thù, để có được lễ khởi công ngày hôm nay, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã bắt tay ngay vào thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao; chung sức, đồng lòng, nỗ lực rút ngắn thời gian triển khai từng phần việc; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung, vì thành công của dự án.
Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát tình hình, tiến độ triển khai dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh; có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân, giúp bảo đảm tiến độ dự án theo đúng mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.
2. Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khởi công dự án vào ngày 20-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đã nêu rõ: “Đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”. Thực hiện nghiêm chỉ đạo này đồng nghĩa với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tạo lòng tin đối với nhân dân.
Cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến đường vành đai đóng vai trò rất quan trọng, được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Để dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bảo đảm tiến độ và chất lượng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, các nhà thầu, tư vấn giám sát cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, thái độ, tinh thần phục vụ với nhân dân, với Thủ đô và đất nước cao hơn nữa; đổi mới cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng - khâu đặc biệt quan trọng khi triển khai bất kỳ dự án giao thông nào, 7 quận, huyện (Hà Đông, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh) nơi có dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua, và các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố phải làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào; hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích (hiện mới đạt tỷ lệ 84%) trong năm 2023. Tiếp tục rà soát các chính sách về đất đai để vận dụng tối đa, có lợi nhất và bảo đảm người dân không bị thiệt thòi khi bố trí tái định cư, như chỉ đạo của Thường trực Thành ủy cũng như cá nhân đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt quy hoạch 1/500 hai bên đường Vành đai 4 bảo đảm sử dụng một cách căn cơ, lâu dài.
Với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Hà Nội sẽ cùng với Bắc Ninh và Hưng Yên chắc chắn sẽ hoàn thành dự án vượt tiến độ đề ra.
Khi đó, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là động lực quan trọng để kiến tạo không gian phát triển mới, gia tăng khả năng kết nối liên vùng để cùng bứt phá phát triển, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn lên của Hà Nội cũng như của cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.