Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ robot sát thủ

Minh Hiếu| 27/08/2017 07:27

(HNM) - Các chuyên gia trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo, trong đó có tỷ phú Elon Musk - người sáng lập Tập đoàn Công nghệ khai phá không gian SpaceX - vừa ký vào lá thư kêu gọi Liên hợp quốc cấm các loại vũ khí sát thương tự động, còn được gọi là robot sát thủ.


Ảnh minh họa: Internet


Lời kêu gọi với sự đồng thuận của những người sáng lập 116 công ty phát triển robot tại 26 quốc gia được công bố ngay trước thềm Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo (IJCAI), trong bối cảnh Liên hợp quốc khởi động các cuộc đàm phán chính thức về khả năng xây dựng một lệnh cấm vũ khí sát thương tự động. Kiến nghị này từng được đưa ra năm 2015 và đã được 123 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí thảo luận, nhưng bị trì hoãn vì lý do kinh phí.

Nhiều quốc gia đã quá quen thuộc với việc sử dụng các thiết bị bay quân sự không người lái, pháo tự hành, xe tăng tự hành. Chi phí thấp hơn cùng việc giảm thiểu được sự nguy hiểm đối với tính mạng nhân viên quân sự đã khiến bước đột phá công nghệ này ngày càng được ưa chuộng. Hiện các nhà khoa học đang tập trung phát triển theo hướng đưa ra các thiết bị có khả năng tự vận hành tại chiến trường trong nhiều tháng mà không cần tác động của con người.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình chỉ trích việc áp dụng các loại robot quân sự ngoài mục đích thu thập dữ liệu, như vũ khí sát thương tự động, là một hành vi vô đạo đức và cần được kiểm soát theo Công ước về các loại vũ khí thông thường năm 1983 (CCW). Trong khi những người ủng hộ vũ khí sát thương tự động cho rằng công nghệ mới có thể giúp giảm thiệt hại về người trên chiến trường, đồng thời có khả năng phân biệt chính xác hơn giữa thường dân và binh lính. Tư tưởng này bị chỉ trích là nguyên nhân khiến các loại vũ khí như vậy được triển khai thường xuyên và khiến chiến tranh nổ ra dễ dàng hơn.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền, hệ thống vũ khí tự động đang được phát triển tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga và Israel. Một số sản phẩm thậm chí đã được triển khai, như tháp pháo tự động do nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc DoDAAM nghiên cứu. Cỗ máy hủy diệt không ngủ này được trang bị súng máy, có khả năng xác định và bắn vào mục tiêu theo chương trình lập trình sẵn mà không cần sự can thiệp, điều khiển của con người.

Ở thời điểm hiện tại, dường như không một quốc gia nào có ý định làm chậm lại quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí tự động sát thương trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được trích dẫn đăng tải trên Tạp chí Financial Times đã kêu gọi tăng cường đầu tư vào công nghệ vũ khí tự động để Mỹ có thể duy trì lợi thế dẫn đầu trước các đối thủ cũng đang khai thác tiện ích công nghệ mới này nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.

Hiện chưa có bất kỳ tiêu chuẩn hoặc quy định đa phương nào đề cập tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự. Báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền nhận định phân biệt giữa một người dân thường đang sợ hãi và một chiến binh phe địch đòi hỏi người lính phải hiểu được ý định đằng sau hành động của con người, điều mà một robot không thể làm được, dù được trang bị đầy đủ các chức năng phân tích sinh trắc học. Một câu hỏi khác được đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu robot sát thủ giết hại nhầm dân thường. Điều này gây ra lo ngại đổi mới công nghệ sẽ ảnh hưởng tới khả năng giám sát dân sự trong tương lai gần, dẫn tới việc nguy cơ an ninh sẽ vượt qua mọi lợi ích về mặt quân sự. Bởi vậy, robot sát thủ được ví như chiếc hộp tai họa Pandora, một khi được mở ra sẽ rất khó để đóng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ robot sát thủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.