(HNMO) - Khi mạng Internet ở Triều Tiên bị sập trong suốt gần 10 giờ đồng hồ hôm 22/12, có lẽ không nhiều người trong số hàng triệu cư dân của đất nước này biết đến.
Trang tin Yahoo dẫn lời các chuyên gia lý giải rằng, đó là bởi vì quá ít người Triều Tiên được phép truy cập mạng Internet và khi họ truy cập, họ cũng nhìn thấy một thế giới trực tuyến rất khác so với những gì hầu hết người dân ở các nước khác thấy khi đăng nhập.
Ở đây có vấn đề kỹ thuật là Internet chỉ dành cho một phần rất nhỏ dân số, bao gồm các nhân viên chính phủ hoặc những sinh viên đại học được chọn lọc.
Theo Martyn Williams, người điều hành một blog công nghệ Triều Tiên, khi người dân Triều Tiên vào mạng, họ dường như phải đi qua khoảng 10 đến 15 trang của chính phủ mới có thể tiếp cận với mạng toàn cầu và chắc chắn việc truy cập của họ sẽ được giám sát.
Hình ảnh một trang web của Triều Tiên |
"Họ đang làm khá tốt việc tự kiểm duyệt", Williams nói. "Họ biết những trang web nào họ nên và không nên vào".
Các trang web mới được chính phủ phê duyệt sẽ được bổ sung vài tháng một lần.
Các trang web có máy chủ đặt tại Triều Tiên và có thể được nhìn thấy bên ngoài biên giới nước này thường có tên miền kết thúc bằng “.kp”, mặc dù có một hệ thống mạng nội bộ hoàn toàn riêng biệt mà người dân có thể truy cập tại một số máy tính ở thư viện và trường đại học.
Williams ước tính, số lượng người thường xuyên sử dụng Internet ở Triều Tiên khoảng từ 10.000-20.000 người. Do cuộc tấn công hôm đầu tuần diễn ra vào buối tối (theo giờ địa phương) nên số lượng người nhận biết được việc này là rất ít.
Được biết, chỉ có khoảng 1.000 địa chỉ IP tại Triều Tiên, rất nhỏ bé so với khoảng 981 triệu địa chỉ IP ở Mỹ và 107 triệu tại Hàn Quốc.
Một cách khác để đo về "dấu vân tay kỹ thuật số" của một quốc gia là số tuyến BGP, được coi như là cách người dùng Internet sẽ gửi lưu lượng ra khỏi Triều Tiên. Mỹ có 150.000 tuyến BGP, đứng hàng đầu thế giới. Hàn Quốc có 17.000 tuyến BGP, trong khi Triều Tiên chỉ có 4, quá ít so với quy mô dân số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.