(HNM) - Mỗi khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng, người dân cả nước, nhất là ở những thành phố lớn lại xuống đường ăn mừng.
Trước trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2018 diễn ra tối nay (15-12), Báo Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến của đại diện cơ quan chức năng và bạn đọc thể hiện mong muốn mỗi cổ động viên cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lúc cổ vũ, ăn mừng khi đội nhà giành chiến thắng; với trường hợp vi phạm, phải xử lý nghiêm.
Đi “bão” sau trận bán kết lượt về, hai xe máy gây tai nạn nghiêm trọng trên cầu Chương Dương. |
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh: Chủ động, kịp thời xử lý tình huống
Đêm 11-12, sau trận chung kết AFF Suzuki Cup 2018 lượt đi giữa đội tuyển Việt Nam - Malaysia với tỷ số 2-2, nhiều người xuống đường cổ vũ và không ít người đã vi phạm quy định về an toàn giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh) đã lập biên bản xử lý 84 trường hợp, tạm giữ 64 xe gắn máy. Để bảo đảm an ninh trật tự, Công an TP Hồ Chí Minh đã phân công các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện tăng cường lực lượng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố, các điểm có nguy cơ tụ tập đông người. Từ đó, có kế hoạch chủ động, kịp thời xử lý tình huống, giải tỏa người cổ vũ dừng, đỗ xe trái phép; hướng dẫn phân luồng các phương tiện di chuyển ra ngoài khu vực trung tâm thành phố... Công an thành phố đề nghị người dân mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trong trật tự, không tụ tập dừng xe ở lòng, lề đường, nhảy múa trên nóc xe ô tô, rú ga, nẹt pô, bấm còi, la hét, đốt pháo sáng... gây mất trật tự công cộng, cản trở và ùn tắc giao thông.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an TP Hà Nội): Những hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử lý nghiêm
Mỗi lần đội tuyển bóng đá quốc gia thắng trận là một lần lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô nói chung và Đội Cảnh sát giao thông số 1 phụ trách khu vực quận Hoàn Kiếm phải căng mình làm việc suốt đêm. Dù vất vả, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều rất vui khi làm nhiệm vụ trong không khí hạnh phúc như thế. Việc cổ vũ khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng là cần thiết, nhưng phải có giới hạn. Vì thế, những hành vi lợi dụng cổ vũ để đua xe trái phép, vi phạm pháp luật sẽ bị ngăn chặn và xử lý nghiêm. Trong đó, vào đêm 6 rạng sáng 7-12 vừa qua, Cảnh sát cơ động Hà Nội xử phạt 15 trường hợp vi phạm giao thông khi cổ vũ, ngăn chặn hàng chục người có dấu hiệu gây rối, cổ vũ quá khích; Cảnh sát 141 đã phát hiện và xử lý 42 người mang hung khí, đốt và tàng trữ pháo sáng, thu 6 dao các loại cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác. Để thể hiện niềm vui chiến thắng, tôi mong người hâm mộ hãy giữ hình ảnh đẹp của đội bóng, cổ vũ thực sự văn minh, không theo đám đông gây mất trật tự, làm xấu đi hình ảnh của Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế.
Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ của một thanh niên đi xe không đội mũ bảo hiểm sau trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018. Ảnh: Thái Linh |
Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm:Ngăn chặn cổ động viên quá khích
Để chống hiện tượng đua xe, gây rối do cổ vũ bóng đá quá khích, trước, trong và sau các trận đấu vừa qua, Công an TP Hà Nội đã huy động 100% quân số ứng trực tại hơn 300 nút giao thông trọng điểm ở 10 quận. Ngoài ra, hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ được huy động tăng cường ứng trực chống ùn tắc tại các điểm "nóng".
Từ đầu mùa giải đến nay, Công an phường Tràng Tiền cùng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã lập biên bản xử lý, dập tắt lửa 32 vụ đốt pháo sáng ăn mừng chiến thắng. Đồng thời, Công an phường chỉ đạo cảnh sát khu vực phối hợp với cán bộ tại 8 địa bàn dân cư, 31 tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân cổ vũ bóng đá văn minh, lành mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp những khó khăn do người dân đổ về khu vực trung tâm đông cùng một thời điểm nên rất cần sự phối hợp tốt hơn từ lực lượng chức năng của quận, nhằm ngăn chặn hiệu quả các vi phạm pháp luật do người cổ vũ bóng đá gây nên.
Chị Lê Thị Thanh Huyền (phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh): Phải đặt an toàn lên hàng đầu
Tôi cho rằng, mọi người khi ra đường ăn mừng chiến thắng nên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Đặc biệt, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam không có nghĩa là vô tư vi phạm Luật Giao thông đường bộ, coi thường tính mạng của người khác và bản thân. Được biết, ngày 11-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công điện gửi các bộ: Công an, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Chủ tịch kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các địa phương, yêu cầu xử lý, ngăn chặn hiệu quả nạn đua xe trái phép, cổ vũ bóng đá quá khích.
Anh Andrea, du khách đến từ Rumani: Hãy là cổ động viên văn minh
Sau chiến thắng của Việt Nam với Philippines, tôi đã được chứng kiến không khí náo nhiệt chưa từng có trên đường phố Hà Nội. Người người kéo nhau ra đường, hò reo vui mừng với cờ, kèn, trống… Tuy nhiên, tôi được biết, cũng đã xảy ra việc một số bạn trẻ quá khích đánh nhau, nhiều người uống rượu, va chạm xe gây tai nạn giao thông… Điều này thật đáng tiếc. Tôi mong các bạn hãy luôn là những cổ động viên nhiệt tình, lịch sự, văn minh để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.