(HNMCT) Nhân dịp kỷ niệm 30 năm kể từ ngày Báo Hànộimới Cuối tuần (HNMCT) ra số đầu tiên, HNMCT đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới về những năm tháng đong đầy kỷ niệm của ông với một tờ báo tuần.
- Được biết, trước khi về làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới, ông có một thời gian dài cộng tác với báo HNMCT, chắc hẳn tờ HNMCT ngày ấy đã ít nhiều tạo niềm tin, gây dấu ấn với bản thân ông?
- Tôi có duyên được cộng tác với báo HNMCT từ rất sớm và liên tục trong khoảng 10 năm. Trên các số báo HNMCT ngày ấy, số nào cũng có bài của tôi ở chuyên mục “Bình luận Quốc tế”. Phải nói rằng đó là một thời kỳ mà đời sống quốc tế biến động dữ dội và nhu cầu hiểu biết về các sự kiện đang diễn ra trên thế giới là rất lớn.
Tôi chọn HNMCT để gửi gắm “những đứa con tinh thần của mình” vì HNMCT là một trong những tờ báo tuần ra đời gần như đầu tiên, và là một trong những tờ báo có bản sắc, nội dung đậm “chất tuần”, với những góc nhìn đa chiều về một vấn đề nhưng sâu lắng, gợi nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người đọc; phong cách trình bày cũng rất hấp dẫn.
Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đi tác nghiệp tại cơ sở. |
- Sau này khi về làm Tổng Biên tập của Báo Hànộimới, ông đã có những định hướng như thế nào để HNMCT trở thành một tờ báo đọc chậm nhưng vẫn ăm ắp hơi thở cuộc sống và có dấu ấn riêng?
- Tôi rất tâm đắc chuyên mục “Hà Nội tạp văn”. Đó là chuyên mục rất hay với những bài tạp văn, những cảm xúc lắng đọng, tinh tế về Hà Nội. Trong suốt thời gian làm Tổng Biên tập, tôi luôn khích lệ để HNMCT nâng cao hơn nữa chất lượng của “Hà Nội tạp văn”.
Cùng thời gian đó, tôi gợi ý xây dựng thêm trang “Ký sự nhân vật”. Những nhân vật trên trang này có thể là những tấm gương tiêu biểu, điển hình mà nhiều người có thể học tập; có khi chỉ là những con người bình thường nhưng có những câu chuyện hay, những số phận riêng và quan trọng người đọc thấy thú vị và chắt lọc được từ đó những gì sâu sắc cho bản thân mình, chiêm nghiệm được những giá trị đích thực của cuộc sống.
Một trang nữa, cũng ra đời trong thời điểm tôi làm việc tại Báo Hànộimới, đó là “Những nhân vật nổi tiếng thế giới”. Tại chuyên trang này, những nhân vật nổi tiếng thế giới từ cổ chí kim trên tất cả các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, điện ảnh, thể thao, kinh tế, quân sự, ngoại giao... đều được chọn lọc và được viết dưới những góc nhìn khách quan và nhân văn.
Đặc biệt, những năm tháng làm việc tại Báo Hànộimới để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Những phòng làm việc được tổ chức theo kiểu “ô vuông” luôn mang lại cho tôi cảm giác gần gũi, thân thiết. Sau những buổi họp giao ban hằng ngày, tôi thường vào các phòng, ngồi trò chuyện với anh em phóng viên. Những chuyên trang mà tôi vừa nói đến cũng ra đời từ chính những lần chuyện trò cởi mở, đầy tính đồng nghiệp bên ấm trà như thế.
- Là một tờ báo tuần nằm trong hệ thống ấn phẩm của Báo Hànộimới, ông đánh giá như thế nào về vai trò của HNMCT?
- Tờ Cuối tuần chắc chắn vẫn là một ấn phẩm rất cần thiết trong hệ thống báo chí. Nếu nhiệm vụ của một tờ báo ngày là phản ánh những gì nóng nhất, thời sự nhất về mọi mặt của đời sống Thủ đô, đất nước, thế giới, thì vai trò của một tờ báo tuần là phải chọn lọc, phải tìm xem bên dưới “lớp váng” nóng hổi đầy tính thời sự ấy là gì, cái gì đọng lại, cái gì cần phải nhìn nhận thêm cho sâu, phân tích nhiều góc độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực.
- Trải qua một thời gian dài, từ lúc là một ấn phẩm phản ánh chuyên sâu các vấn đề xoay quanh đời sống, văn hóa, xã hội, từ tháng 4-2018, cùng với việc triển khai Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng ấn phẩm, HNMCT đã tập trung hơn vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, tôn vinh nếp sống thanh lịch của người Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sự chuyển hướng này của tờ báo?
- Tôi cho rằng sự chuyển hướng để tập trung hơn vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật là rất đúng bởi Hà Nội là Thủ đô văn hóa, Thủ đô của văn học nghệ thuật; Hà Nội chỉ thật sự là Hà Nội khi Hà Nội đẹp về văn hóa. Hà Nội phải là tấm gương văn hóa của cả nước và tờ báo HNMCT phải là một tấm gương phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của Thủ đô, tâm hồn người Hà Nội. Phẩm chất thanh lịch là nét nổi trội đặc trưng nhất của người Hà Nội.
Báo HNMCT phải tìm cách tiếp cận để tăng cường hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp ngàn đời của văn hóa người Hà Nội, đặc biệt là vấn đề ứng xử văn hóa, thanh lịch văn minh. Vai trò này thậm chí phải trở thành thế mạnh của tờ HNMCT.
- Trong bối cảnh như hiện nay, theo ông HNMCT cần đạt những tiêu chí gì để là một tờ báo đọc chậm theo tuần nhưng thông tin không bị “nguội”, không bị nhàm, mà vẫn tạo được bản sắc riêng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của bạn đọc?
- Đầu tiên, người viết phải biết chọn vấn đề mà độc giả quan tâm. Tờ báo tuần không cần “nóng” mà phải đạt được tiêu chí càng đọc càng thấy thấm, càng thấy hay và muốn chia sẻ. Nó đòi hỏi một độ lắng, một độ sâu và như thế cách chọn vấn đề là tiêu chí đầu tiên.
Tiếp đến là cách đề cập phù hợp và tinh tế. Người viết phải có cách viết chạm đến trái tim của người đọc, khơi dậy được cảm xúc của họ. Quan trọng nhất, muốn đứng được trong lòng bạn đọc, phải không ngừng đổi mới, không được hài lòng với những gì mình đã có. Không thể nói rằng ngày xưa tốt rồi thì bây giờ cứ thế mà làm. Ngay cả các chuyên mục, chuyên trang cũng phải đổi mới để dòng chảy của cuộc sống mới ùa vào trong các trang báo. Một phần vì ngày nay nhu cầu bạn đọc ngày càng cao và thường hấp dẫn bởi những cái mới.
Mặt khác, bản thân mình cũng phải nhận thấy nhu cầu tự đổi mới nếu không sẽ bị tụt hậu. Cụ thể, phải tiếp cận các xu hướng mới của thời đại, đặc biệt là các xu hướng về lối sống, cách nghĩ của lớp trẻ. Phải nghĩ cái họ nghĩ, sống cùng với họ. Đối tượng bạn đọc mình phải hướng đến nhiều người chứ không phải chỉ hướng đến những người lớp trước, những người đã ăn quen những món ăn của mình.
- Bên cạnh những bài viết sâu sắc về đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, Báo HNMCT còn có một nhiệm vụ đặc biệt hơn đó là tôn vinh nếp sống thanh lịch của người Hà Nội. Theo ông trong thời gian tới HNMCT phải làm gì để tờ báo vừa “đa thanh, đa sắc”, hấp dẫn nhưng vẫn đậm chất Hà Nội?
- Hà Nội là một Thủ đô đặc biệt, vì vừa có đô thị vừa có nông thôn vừa có miền núi thậm chí có cả vùng sâu vùng xa. Mật độ dân số đông, một thành phố vừa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa rất mạnh nhưng lại có một vùng nông thôn rộng lớn nên cái gì của Hà Nội cũng có tính đặc thù. Văn hóa cũng vậy. Văn hóa của Thủ đô là nền văn hóa mang tính đại diện, làm gương rất cao.
Báo HNMCT phải có nhiệm vụ tuyên truyền, tạo đà cho những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội ăn sâu “bén rễ” trong đời sống, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tiếp đó, muốn tờ báo của mình đậm “chất” Hà Nội, người làm báo phải đắm mình vào trong đời sống của Thủ đô, phát hiện những cái hay, cái cần nói, cần viết về thành phố của mình. Nhà báo phải thực sự yêu nghề, yêu Hà Nội mới có thể phát hiện trong cuồn cuộn của nhịp sống đô thị Hà Nội vẫn còn đó những khoảng lặng. Chính cái khoảng lặng trong cái cuồn cuộn của nhịp sống đô thị đôi khi chính là nét đẹp của Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.