Chính quyền Afghanistan mới đây cho biết, có bằng chứng cho thấy, Taliban tiếp tục lợi dụng hủ tục
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, sự phân biệt giới tính sâu sắc và cơ hội tiếp xúc với phụ nữ ít là một trong những nguyên nhân chính của hủ tục |
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, sự phân biệt giới tính sâu sắc và cơ hội tiếp xúc với phụ nữ ít là một trong những nguyên nhân chính của hủ tục "Bacha bazi".
Hàng trăm nhân viên cảnh sát thiệt mạng vì bị nô lệ tình dục tấn công
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Afghanistan, đã có hàng trăm nhân viên cảnh sát thiệt mạng vì bị chính những "Bacha bazi" (bản chất là một hình thức nô lệ tình dục trẻ em) tấn công. Ngoài nhiệm vụ tấn công các nhân viên cảnh sát, "Bachas" còn thực hiện nhiệm vụ gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trong lực lượng cảnh sát.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, có ít nhất 6 vụ cảnh sát bị "Bachas" tấn công. Năm ngoái, một nhân viên cảnh sát ở huyện Dehrawud tên là Matiullah, 21 tuổi kể lại rằng, một nô lệ tình dục đã nổ súng bắn chết 7 người. Anh may mắn sống sót vì giả vờ chết. Hiện nay, hầu hết 370 trạm kiểm soát an ninh ở tỉnh Uruzgan đều có sự xuất hiện của nô lệ tình dục nam. Không ai biết rõ, trong số này, có bao nhiêu người do Taliban cài cắm vào.
Một quan chức ở Afghanistan nhận định, hủ tục "Bacha bazi" có liên quan đến cuộc xung đột ở Afghanistan, giúp Taliban xâm nhập vào hàng ngũ an ninh, cảnh sát ở các tỉnh như Uruzgan. Chính điều này đã làm giảm sức mạnh các lực lượng của Afghanistan đã được NATO đào tạo.
Mỹ cho biết, cho đến nay, Mỹ đã hỗ trợ 60 tỷ USD cho quốc phòng và an ninh Afghanistan, trong đó có gần 500 triệu USD hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát địa phương. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, sự xâm nhập của "Bacha bazi" trong binh lính và cảnh sát Afghanistan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của các lực lượng.
"Phụ nữ để nuôi con, trai trẻ mang lại niềm vui"
Theo quan niệm ở Afghanistan, việc giữ bé trai theo người được coi như biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có. "Phụ nữ để nuôi con, trai trẻ mang lại niềm vui" là một câu nói phổ biến ở Afghanistan. "Bachas" ăn mặc như phụ nữ và thường xuất hiện như vũ công bên cạnh các "ông chủ". Phần lớn người dân Afghanistan không coi "Bacha bazi" là đồng tính - một hành vi bị cấm vì tình dục lệch lạc trong đạo Hồi. "Bacha bazi" được chấp nhận là một vấn đề của truyền thống.
"Bacha bazi" là hủ tục còn phổ biến rộng rãi ở khu vực nông thôn miền Đông Nam của Afghanistan và nơi có nhiều dân tộc Tajik sinh sống ở miền Bắc.
"Sự phân biệt giới tính sâu sắc trong xã hội Afghanistan và cơ hội tiếp xúc với phụ nữ ít là một trong những nguyên nhân chính của hủ tục "Bacha bazi". Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chặt chẽ, nạn tham nhũng, mù chữ, nghèo đói, mất ổn định, sự tồn tại của các nhóm vũ trang cũng là "mảnh đất" để hủ tục này phát triển", tổ chức giám sát quyền con người ở Afghanistan (AIHRC) cho biết trong một báo cáo công bố vào năm 2014.
AIHRC chỉ ra rằng, luật hình sự của Afghanistan cấm hiếp dâm và đồng tính nam, nhưng không có quy định rõ ràng về "Bacha bazi". "Có khoảng cách và sự mơ hồ trong pháp luật Afghanistan về "Bacha bazi". Hệ thống pháp luật hiện hành không giải quyết được vấn đề này một cách đầy đủ. Nhiều thủ phạm đã hối lộ cơ quan chức năng bằng cách đưa "Bacha bazi" đến. "Bachas" thường trong độ tuổi từ 10 - 18. Đôi khi các em bị bắt cóc nhưng cũng có khi bị chính người thân trong gia đình bán vì nghèo khó. Các nạn nhân của hủ tục "Bacha bazi" bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Các em thường xuyên bị hãm hiếp", một chuyên gia của AIHRC nhận định.
AIHRC cho biết thêm, "Bachas" thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mất niềm tin, tuyệt vọng và bi quan về tương lai. Chính điều này hình thành trong tâm trí các em tư tưởng thù địch, ý muốn trả thù. Bên cạnh đó, một số "Bachas" cho biết, lớn lên sẽ tìm một cậu bé cho riêng mình và đối xử như những gì mà mình đã phải trải qua.
"Nếu không có giải pháp giúp đỡ các "Bachas" thoát ra khỏi những ám ảnh vì bị lạm dụng tình dục, thật khó để biết được các em sẽ đối mặt với tương lai như thế nào", Charu Lata Hogg, người đứng đầu một tổ chức nhân đạo bảo vệ trẻ em có trụ sở lại London (Anh) cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.