Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc hội đàm bên lề hội nghị G20

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)| 29/06/2019 10:45

Cuộc gặp được đánh giá là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)


Ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu cuộc hội đàm tại Osaka, Nhật Bản bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc gặp vào khoảng 12h giờ địa phương (10h giờ Hà Nội).

Cuộc gặp được đánh giá là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương vốn đã chứng kiến hai bên áp thuế lẫn nhau có tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD.

Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 12-2018.

Ngày 28-6, Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng có một cuộc gặp hiệu quả với Chủ tịch Trung Quốc nhưng cũng cảnh báo trước đó rằng, Mỹ đã chuẩn bị để đánh thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản.

Vài giờ trước khi bước vào cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Trump cho biết, hai bên sẽ thảo luận rất nhiều vấn đề. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định đã gặp Chủ tịch Trung Quốc tối 28-6 và đạt được nhiều điều trong cuộc gặp này, đồng thời nhấn mạnh có mối quan hệ rất tốt với Trung Quốc.

Ông Trump xác nhận, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Washington đã cấm tập đoàn này tiếp cận thị trường Mỹ vì lý do an ninh, trong khi Bắc Kinh liên tục mong muốn Washington gỡ các lệnh cấm này như một phần trong thỏa thuận "đình chiến thương mại".

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã đăng tải bài viết cho rằng, hội nghị này là cơ hội đặc biệt cho hai bên tìm được tiếng nói chung để xoa dịu căng thẳng thương mại và đưa mối quan hệ song phương vốn đang gặp nhiều bất ổn trở về đúng hướng. Tuy nhiên, bài viết trên cũng cảnh báo Mỹ cần đặt mình vào vị trí ngang bằng với Trung Quốc và lưu ý các quan ngại chính đáng của Bắc Kinh.

Các chuyên gia tin rằng trong hội nghị lần này hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc sẽ đạt được một "thỏa thuận đình chiến thương mại" và cam kết sẽ tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến quan ngại nguy cơ hội nghị đổ vỡ hoặc hy vọng hai bên đạt đột phá trong bối cảnh những động thái từ Tổng thống Mỹ thường rất khó đoán trước.

Hơn một năm qua, Mỹ và Trung Quốc rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại tốn kém, gây áp lực cho các thị trường và thiệt hại nền kinh tế thế giới. Các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp giải quyết mâu thuẫn đổ vỡ hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết về việc tiến hành thay đổi kinh tế mang tính cấu trúc. Từ đó tới nay, các hoạt động trao đổi giữa hai bên diễn ra hạn chế.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng, ông trông đợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 để thảo luận về bất đồng thương mại giữa hai nước.

Hiện, Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý thay đổi cấu trúc kinh tế lớn cũng như hạn chế trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đảm bảo doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt hơn đối với thị trường Trung Quốc.

Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Các nhà kinh tế học cảnh báo cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể làm tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới vốn đang phải hứng chịu những bất ổn từ những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và câu chuyện Brexit chưa có hồi kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc hội đàm bên lề hội nghị G20

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.