(HNM) - Ngày 15-11, đảo du lịch Bali (Indonesia) trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 chính thức khai mạc tại đây. Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững của nhân loại.
Diễn ra trong các ngày 15 và 16-11, Hội nghị Thượng đỉnh G20 là sự kiện "tổng kết" hơn 438 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao, Nhóm công tác và Nhóm cam kết diễn ra dày đặc suốt từ cuối năm 2021 tới nay. Hội nghị có sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo tổ chức quốc tế cùng khoảng 600 đại biểu, hơn 2.100 phóng viên. Hội nghị cũng có 22 khách mời là các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế.
Hội nghị tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính, gồm: Tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững. Về vấn đề y tế, hội nghị bàn thảo quy định đối với cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu; tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát các mầm bệnh; thiết lập nền tảng chung kết nối các hệ thống chứng nhận tài liệu y tế kỹ thuật số...
Về chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, G20 thảo luận về các sáng kiến và đề xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế kỹ thuật số, coi đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19. Cùng với đó là nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển kỹ năng và phổ biến kiến thức kỹ thuật số; kết nối các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy tài trợ thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Ở nội dung chuyển đổi năng lượng bền vững, các nước sẽ tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon, đặc biệt là thông qua Nguyên tắc chung Bali về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Indonesia dự kiến sẽ cùng nhiều đối tác lớn công bố quan hệ đối tác năng lượng sạch, qua đó thu hút hàng tỷ USD tài trợ quốc tế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Theo giới quan sát, lần gặp gỡ này của G20 nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trước tiên là bởi 20 thành viên của khối chiếm tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu. Đây cũng là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, đây là dịp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, hàng loạt gương mặt lãnh đạo mới của các cường quốc như Anh, Italia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… có dịp “trình làng”.
Quan trọng hơn cả, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế G20 mâu thuẫn sâu sắc, bị chia rẽ chưa từng thấy. Trong khi đó, thế giới cũng gánh chịu tác động nặng nề từ hàng loạt cuộc khủng hoảng, nổi bật là xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế, khủng hoảng lương thực và năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng vọt... Do đó, dịp gặp gỡ này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để các nước đối thoại, xoa dịu những mâu thuẫn và khác biệt.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này thực sự là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với nước chủ nhà, hay khu vực Đông Nam Á, mà còn với toàn thế giới. Đây chính là cầu nối cần thiết và đúng lúc, để các bên chung tay thúc đẩy những mục tiêu phục hồi chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.