Chiều 13-9, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có những nhận định về siêu bão Mangkhut.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, các trung tâm dự báo trên thế giới đều chung nhận định với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi đánh giá cơn bão Mangkhut có cấp độ tương đương với bão Haiyan hồi năm 2013, khiến hơn 6.000 người chết.
Hiện nay đang là thời điểm siêu bão Mangkhut mạnh nhất với sức gió gần tâm bão lên tới cấp 16-17 (200 - 220 km/h).
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi với phóng viên. |
Theo dự báo, đến sáng sớm thứ bảy (15-9), bão sẽ đi vào Biển Đông. Tuy nhiên, do tương tác khi đi qua đảo Lu-Dong (Philippines) và vòng đời cơn bão, có lúc lên đến đỉnh điểm, có lúc giảm, nên có thể thời điểm vào Bắc Biển Đông bão sẽ giảm khoảng 2 cấp, còn cấp 14 - 15.
“Cùng với đó, khi bão đi sát vào Lôi Châu (Trung Quốc) có thể giảm thêm 2 cấp, còn cấp 12 - 13. Như vậy cũng đã là rất kinh khủng", ông Hải cho biết.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho hay, tuy có thể giảm cấp nhưng khi đi vào Bắc Biển Đông, phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, vùng gió mạnh cấp 10 bao kín vịnh Bắc Bộ.
"Cho đến thời điểm này, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Nghệ An, Thanh Hóa là rất lớn, xác suất 70 - 80%, với sức gió của bão lúc đó cấp 11 - 12, giật cấp 14 , 15", ông Hải cho hay.
Theo chuyên gia này, gió mạnh, sóng lớn trên vịnh Bắc Bộ do ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut sẽ bắt đầu từ sáng sớm chủ nhật và kéo dài đến sáng sớm thứ hai tuần tới (17-9).
Từ trưa, chiều thứ hai bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp vào Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí rìa Nam của bão có thể ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra, các tính toán về sóng gió, thủy triều, nước dâng do bão cho thấy, những cơn bão mạnh, rất mạnh sẽ tạo nước dâng do bão rất lớn.
"Nếu bão đổ bộ vào trưa, chiều ngày thứ hai, thời điểm thủy triều đang ở mức cao nhất có thể khiến nước dâng do bão cao 4- 6m kết hợp với sóng. Với đê biển toàn bộ các vùng từ Móng Cái - Nghệ An cần hết sức chú ý còn trước đó, với các đảo, đặc biệt vùng khu Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng cần phải có cảnh báo sớm để người dân kịp thời phòng chống, di dời, tránh những hậu quả đáng tiếc", ông Hải nói.
Bên cạnh đó, từ chiều thứ hai sẽ có những đợt mưa hết sức lớn cỡ 300 - 400mm cho cả đợt của cơn bão. Hiện nay, đã là cuối mùa mưa nên tất cả các hồ chứa đều ở mức rất cao nên thêm mưa lớn này rất nguy hiểm. Do đó, cần chủ động điều hành, điều phối tốt để đảm bảo an toàn.
Tổng Cục Khí tượng thủy văn đã đưa ra hai kịch bản khác nhau về đường đi của cơn bão. Cụ thể, một kịch bản trung tâm bão sẽ đi về Bắc vịnh Bắc Bộ (với xác suất 60%) còn kịch bản thứ hai, bão đi thấp hơn, tức là đi vào giữa vịnh Bắc Bộ (xác suất 40%).
"Về cường độ, chúng tôi đang lên kịch bản đây là cơn bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15 ở trên vịnh Bắc Bộ nhưng có thể giảm thêm khi bị ảnh hưởng bởi đảo Hải Nam và các vùng ven bờ”, ông Hải thông tin.
Các chuyên gia lưu ý hoàn lưu của bão Mangkhut sẽ gây mưa rất lớn, dồn dập ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dự báo mưa bắt đầu từ ngày 17-9 ở khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó, ngày 18-9, vùng mưa do bão tiếp tục chuyển mạnh sang Tây Bắc Bộ và cho đến ngày 19-9, mưa lớn kéo dài ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đối với Thủ đô Hà Nội, theo dự báo, do ảnh hưởng của bão sẽ có gió mạnh cấp 8, trong đó, lưu ý nhất là vấn đề gió giật.
"Có thể bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc không trực tiếp đến Hà Nội nhưng với các cầu của Hà Nội như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân... có thể có gió giật mạnh, do đó, cần theo dõi kỹ. Nếu cần thiết có thể đề xuất biện pháp cấm cầu", ông Nguyễn Thanh Hải thông tin.
Hiện nay, Đài Khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ đang theo dõi sát cơn bão và sẽ có thông báo cụ thể để phối hợp với Hà Nội về đối phó với bão và có phương án cấm cầu hay không vì trước đây ở một số địa phương đã từng áp dụng hình thức này khi có bão lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.