(HNM) - Trong khi còn nhiều vụ việc chưa xử lý dứt điểm, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục để phát sinh vi phạm pháp luật về đê điều. Tình trạng này không chỉ đe dọa an toàn công trình chống lũ mà còn làm gia tăng rủi ro thiên tai, gây bức xúc trong nhân dân. Hiện, các ngành chức năng và địa phương đang quyết liệt thực hiện chỉ đạo của thành phố trong xử lý, ngăn ngừa phát sinh vi phạm đê điều.
Phát sinh nhiều vi phạm
Đê điều là công trình phòng, chống thiên tai đặc biệt quan trọng đối với thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đi dọc tuyến đê, bờ bãi các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Tây Hồ, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên..., không khó nhận thấy nhiều vị trí bị xâm hại.
Đơn cử, trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) tồn tại vụ việc đổ đất thải vào mái đê, tạo thành lối lưu thông cho ô tô vòng tránh mố hạn chế tải trọng trên đê. Trên tuyến đê hữu Đáy, đoạn xã Phượng Cách (huyện Quốc Oai) thường xuyên tồn tại hàng chục mét khối đất, cát, sỏi trên mặt đê. Trên tuyến đê hữu Cầu, đoạn xã Việt Long (huyện Sóc Sơn) xảy ra tình trạng đào móng xây dựng công trình, đổ đất trong phạm vi bảo vệ đê...
Không những vậy, nhiều bờ bãi sông ở các địa phương nêu trên cũng bị lấn chiếm làm nơi tập kết, trung chuyển cát, sỏi, đổ phế thải xây dựng, lắp dựng trạm trộn bê tông... Đáng lo ngại là tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), tái diễn tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng lấp lạch sông Hồng, tôn cao bãi sông với quy mô hàng trăm mét vuông để trồng cây lâu năm, xây dựng công trình...
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phạm Quang Đông, những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật về đê điều mà còn đe dọa an toàn công trình chống lũ khi dòng chảy và không gian chứa lũ bị thu hẹp, làm gia tăng rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc nhân dân... Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, các quận, huyện tiếp tục để phát sinh 31 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều; trong đó 20 vụ xây dựng nhà cấp 4, móng, công trình phụ, 2 vụ xây dựng tường chắn, cổng, trụ cột, 2 vụ dựng lều, quán, 1 vụ chất, tải vật liệu xây dựng trên mặt đê, mái đê... “Phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý đê đã kịp thời lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền”, ông Phạm Quang Đông thông tin.
Tuy nhiên, dù Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Sở NN&PTNT Hà Nội đã gửi nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc nhưng đến thời điểm này các địa phương mới xử lý được 8 vụ, tồn đọng 23 vụ; nâng tổng số vụ chưa xử lý dứt điểm từ năm 2021 đến nay là 72 vụ. Địa bàn phát sinh và tồn đọng nhiều vi phạm là các huyện: Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì...
Kiên quyết xử lý
Về thực trạng nêu trên, lãnh đạo các địa phương thừa nhận, chính quyền một số xã, phường, thị trấn chưa quản lý chặt chẽ về đất đai, trật tự xây dựng, chưa kịp thời ngăn chặn và quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều... Bên cạnh đó, nhiều công trình vi phạm có nguồn gốc đất thổ cư, người dân sinh sống lâu đời nên gặp khó khăn trong ngăn chặn, xử lý. Hơn nữa, người vi phạm thường lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để hoạt động, trong khi quy định pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là thẩm quyền xử lý vi phạm, xác định hành vi vi phạm...
Để bảo đảm an toàn hệ thống phòng, chống lũ, thực hiện nghiêm pháp luật về đê điều, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra vào ngày 10-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý vi phạm mới phát sinh và những vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận...
Thực hiện chỉ đạo trên, các quận, huyện, thị xã đang tập trung kiểm tra, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Thái Hòa phải hoàn thành công tác giải tỏa vi phạm mới phát sinh trên địa bàn ngay trong tháng 5 này. Các xã, thị trấn: Tây Đằng, Tòng Bạt, Phú Châu, Phú Phương, Tản Hồng, Phong Vân, Chu Minh, chậm nhất đến tháng 9-2022 phải hoàn thành giải tỏa bến bãi tập kết, trung chuyển cát, sỏi hoạt động trái phép, không phép trong hành lang thoát lũ sông Hồng...
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, huyện đã lập biên bản xử lý 8 chủ bến bãi tập kết, trung chuyển cát sỏi với tổng số tiền 40 triệu đồng. Các chủ bến bãi đã di chuyển hơn 45.000m3 cát, sỏi ra khỏi hành lang thoát lũ sông Hồng...
Trong khi đó, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Phú Thượng xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, không phép, sai phép, các trường hợp đổ, chôn lấp chất thải ở bãi sông, lòng sông. Quản lý chặt chẽ đất công, đất nông nghiệp ngoài bãi sông, không để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật...
Thực tiễn cho thấy, địa phương nào quan tâm bảo vệ hệ thống phòng, chống thiên tai sẽ hạn chế được thiệt hại; ngược lại, hậu quả sẽ khó lường. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi mùa mưa bão năm nay đã bắt đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.