Nông nghiệp

Xử lý vi phạm đê điều: Đừng “bắt cóc bỏ đĩa”

Kim Nhuệ 15/08/2023 - 06:30

Dù đang là cao điểm của mùa mưa lũ nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn phát sinh và tồn tại nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, gây bức xúc dư luận. Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống thiên tai, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa, xử lý triệt để những vi phạm.

de-dieu.jpg
Hộ dân ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) chuyển cát lên bãi sông khi chưa giảm tải bãi chứa theo quy định.

8 tháng chỉ xử lý được 7 vụ

Những ngày này, đi dọc tuyến đê các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, đoạn chạy qua các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thường Tín... dễ dàng nhận thấy nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đê điều.

Đơn cử, tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) mới phát sinh 3 vụ việc xây dựng nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông trong hành lang bảo vệ đê hữu Hồng. Tại xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) phát sinh 1 trường hợp ép cọc bê tông làm móng nhà trong hành lang bảo vệ đê hữu Cầu. Tại xã Viên An (huyện Ứng Hòa) phát sinh 1 trường hợp xây dựng móng công trình trong hành lang bảo vệ đê tả Đáy...

Bên cạnh đó, các địa phương chưa xử lý triệt để những vi phạm xảy ra từ những năm trước. Cụ thể, tại bãi sông Hồng, đoạn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) vẫn còn 4 nhà ở; đoạn xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) tồn tại nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng; đoạn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) các nhà xưởng vẫn ngang nhiên hoạt động... Còn trên tuyến đê sông Đuống, đoạn xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) vẫn còn nhiều trạm trộn bê tông xây dựng ngoài bãi sông, nhiều phương tiện quá tải trọng vẫn lưu thông trên mặt đê...

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 34 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc xử lý, nhưng 8 tháng qua, các địa phương mới xử lý được 7 vụ; trong đó có 4 vụ phát sinh trong năm 2023 và 3 vụ phát sinh trong năm 2022. Tính từ năm 2022 đến nay, các quận, huyện, thị xã chưa xử lý dứt điểm 85 vụ. Các địa phương còn nhiều vi phạm là: Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì, Sóc Sơn…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, các vi phạm pháp luật về đê điều đều ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông, công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mét bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ…

Phải quyết liệt hơn nữa

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc chậm xử lý vi phạm, đại diện các quận, huyện: Tây Hồ, Thường Tín, Ứng Hòa... cho biết, nguyên nhân là do nhiều vi phạm đê điều cũng là vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, nhiều công trình vi phạm đê điều có nguồn gốc là thổ cư, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp “sổ đỏ”. Do vậy, các địa phương cần nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc đất, thiết lập hồ sơ, thực hiện các trình tự pháp luật xử lý vi phạm…

“Thời gian qua, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức 124 lượt ra quân giải tỏa, dỡ bỏ 117 lều lán với tổng diện tích 3.357m2; tháo bỏ 3.029m hàng rào; bốc xúc, thanh thải hơn 6.000m3 phế thải xây dựng đổ trong bãi sông Hồng; trồng 7 cụm cọc bê tông ngăn phương tiện vận chuyển đổ trộm phế thải xây dựng vào bãi sông… Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận Tây Hồ đang tuyên truyền, vận động các hộ dân ở phường Yên Phụ tự giác tháo dỡ công trình xây dựng ngoài bãi sông trong tháng 8-2023. Quá thời gian này, quận sẽ tổ chức cưỡng chế, buộc các hộ dân khắc phục hậu quả”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh, 3 tháng gần đây, Thường Tín không để phát sinh vi phạm mới. “Huyện chỉ đạo các xã có đất bãi sông, từ nay đến ngày 31-8 phải hoàn thành công tác rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ xử lý dứt điểm những vi phạm tồn đọng. Xã nào để xảy ra nhiều vi phạm, không kịp thời xử lý, huyện sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu xã đó…”, ông Từ Đức Mạnh thông tin thêm.

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đề nghị các quận, huyện, thị xã phải xử lý nghiêm, dứt điểm những vụ việc vi phạm tồn đọng thuộc địa bàn quản lý. Các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm, Thường Tín, Tây Hồ, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai... tăng cường chỉ đạo xử lý những trường hợp tập kết vật liệu xây dựng trong không gian thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống; xử lý nghiêm tình trạng sử dụng xe vượt quá giới hạn tải trọng cho phép lưu thông trên đê...

Đê điều là công trình đặc biệt quan trọng trong phòng, chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường. Vì vậy, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm đê điều: Đừng “bắt cóc bỏ đĩa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.